DetailController

CNTT và Viễn Thông

Cao Phong: Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

19/09/2018 00:00
Xác định phát triển sản xuất là mấu chốt trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm nâng cao thu nhập người dân, có điều kiện tái đầu tư phát triển hạ tầng, những năm qua huyện Cao Phong đã tập trung nguồn lực vào sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành. Lấy mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, cải thiện đời sống nông dân là mục tiêu hàng đầu.
Huyện Cao Phong đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có thế mạnh của địa phương như cam, bưởi, mía...cho giá trị kinh tế khá

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Cao Phong đã chỉ đạo chuyển đổi toàn diện trên tất cả các loại cây trồng cả về quy mô diện tích, loại giống, biện pháp khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Trong đó tập trung vào một số cây trồng vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của huyện như cây ăn quả có múi, cây mía, nuôi trồng thủy sản vùng hồ sông Đà... Huyện tập trung chuyển đổi toàn diện các loại cây trồng, vật nuôi từ loại có giá trị kinh tế thấp sang cây, con có giá trị kinh tế cao hơn. Tới nay cây cam, quýt có diện tích trên 2.800 ha, tăng hơn 4,6 lần diện tích so với năm 2010 (gần 560 ha); niên vụ 2017 - 2018, sản lượng cam toàn huyện đạt 33.000 tấn, giá cả tiếp tục duy trì ổn định. Cây mía có diện tích trên 2.700 ha, giá trị kinh tế bình quân 200 triệu đồng/ha. Huyện đang tiếp tục phát triển các loại cây ăn quả theo hướng VietGAP, hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn như: hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác, sản xuất hàng hóa theo mô hình gia trại, trang trại, quan tâm củng cố và phát triển nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác làm ăn có hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, nhân rộng các mô hình sản xuất đang hoạt động có hiệu quả. Khuyến khích liên kết 4 nhà, liên doanh liên kết theo phương châm “doanh nghiệp hóa, liên kết hóa, xã hội hóa”, vừa đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức DN, HTX vừa quan tâm phát triển kinh tế hộ. Thực hiện từng bước “tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Các hình thức tổ chức sản xuất luôn được thay đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương, các hình thức tổ chức sản xuất phát triển nhanh và đa dạng, hiện nay toàn huyện có 15 HTX, 12 tổ hợp tác, có một số doanh nghiệp ngoài huyện đầu tư vào nông nghiệp bước đầu đã đem lại hiệu quả cao.

Đến nay, huyện đã có 4 xã đạt chuẩn NTM là Dũng Phong, Thu Phong, Nam Phong, Đông Phong; có 4 xã đạt từ 11 - 16 tiêu chí; 5 xã đạt từ 5 - 10 tiêu chí; không có xã nào đạt dưới 6 tiêu chí. Trong đó huyện Cao Phong được đánh giá là huyện có mặt bằng các xã phát triển tương đối đồng đều. Mỗi xã đều có vùng sản xuất các sản phẩm thế mạnh đặc trưng, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân. Các nội dung về văn hóa - xã hội cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu thụ hưởng của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng được giữ vững.

Từ nay tới hết năm 2018, huyện phấn đấu có thêm xã Tây Phong đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 14,5 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 8 tiêu chí; nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn trên các mặt thu nhập, y tế, giáo dục, môi trường.../.