DetailController

Kinh tế

Cao Phong thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững

28/04/2020 00:00
Với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của các cấp chính quyền và nhân dân, những năm qua công tác giảm nghèo bền vững đã được thực hiện hiệu quả tại huyện Cao Phong. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân mỗi năm 3%, tại các xã, xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK) 4 - 5%/năm. Năm 2016, hộ nghèo toàn huyện chiếm 26,85%, đến năm 2019 giảm còn 12,53%.
Hỗ trợ cá giống và hướng dẫn chăm sóc cá cho người dân xã Yên Thượng (Cao Phong) nhằm phát triển kinh tế địa phương

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai cụ thể, hàng năm ban hành kế hoạch chi tiết, ra các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Chỉ tiêu giảm nghèo được xác định là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương.

Cùng với nguồn vốn bố trí từ ngân sách Nhà nước, huyện huy động nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn đối ứng của đối tượng hưởng lợi để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là trên 42 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển (ngân sách T.Ư) 33,9 tỷ đồng, vốn sự nghiệp (ngân sách T.Ư) trên 6,9 tỷ đồng, vốn huy động từ nhân dân trên 1,1 tỷ đồng. 

Các nguồn vốn đã được sử dụng hiệu quả để nâng cấp hạ tầng cơ sở các xã. Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn T.Ư giao huyện 32,8 tỷ đồng, đầu tư cho 83 hạng mục công trình. Đến năm 2019 đã thực hiện 77 công trình, tổng kinh phí 27,2 tỷ đồng, gồm 14 công trình do huyện làm chủ đầu tư, 63 công trình do xã làm chủ đầu tư. Năm 2020 dự kiến vốn giao 5,6 tỷ đồng, làm mới 6 công trình. Thực hiện Chương trình 135, từ năm 2016-2019 huyện được đầu tư trên 6 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất, với 2.575 lượt hộ được hưởng lợi. Qua đó, các hộ  khó khăn, hộ nghèo được hỗ trợ vật tư phân bón, mua cây, con giống như bò lai sin sinh sản, dê, lợn, gia cầm, keo Úc, cây ăn quả…, có điều kiện để sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo.

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vùng ĐBKK, huyện quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Năm 2019, huyện đã đầu tư kinh phí 872 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách T.Ư 724 triệu đồng, vốn đối ứng của hộ dân 148 triệu đồng, triển khai dự án “Hỗ trợ gia đình nghèo, hộ cận nghèo nuôi bò lai sinh sản” thuộc Chương trình MTQG GNBV tại xã Yên Lập, Yên Thượng (nay là xã Thạch Yên), với sự tham gia của 44 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo.

Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, từ năm 2016 đến nay đã cho 3.218 lượt hộ nghèo vay vốn trên 99 tỷ đồng; 1.592 lượt hộ cận nghèo vay trên 56,6 tỷ đồng; 648 hộ mới thoát nghèo với tổng vốn vay 19,6 tỷ đồng.Vốn vay được người dân sử dụng hiệu quả vào làm ăn kinh tế, phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo.

Với sự quan tâm đầu tư đồng bộ, người dân vùng ĐBKK, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn được hưởng lợi từ các chương trình, dự án, chính sách ưu đãi. 100% hộ nghèo, cận nghèo được khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Đến nay, huyện đã cấp miễn phí thẻ BHYT cho 14.105 lượt người nghèo; 92.232 lượt người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, ĐBKK; 3.014 lượt người thuộc hộ cận nghèo; 347 lượt người Kinh sống ở vùng 135; hỗ trợ tiền hộ nghèo ăn Tết cho 8.783 lượt hộ, tổng kinh phí 2,8 tỷ đồng. Từ năm 2016 - 2019 đã hỗ trợ tiền điện cho 8.521 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. 

Toàn huyện có 268 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở, tổng kinh phí 26,8 tỷ đồng; 15.695 học sinh được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập với kinh phí thực hiện 8,9 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho 1.930 học sinh ở xã, thôn ĐBKK, với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; hỗ trợ 353,9 tấn gạo cho 2.964 lượt học sinh; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non cho 2.916 cháu, tổng kinh phí thực hiện trên 4 tỷ đồng.

Nhìn chung, trong những năm qua, Chương trình MTQG GNBV được triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn huyện đã giúp cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH địa phương. Thu nhập bình quân của các hộ nghèo, hộ cận nghèo dần được tăng lên. Qua thực hiện chương trình, nhiều địa bàn thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Năm 2016, toàn huyện có 4 xã, 16 xóm ĐBKK, đến năm 2020, còn 2 xã, 4 xóm, có 2 xã, 12 xóm thoát khỏi tình trạng ĐBKK./.