DetailController

Trồng trọt

Cao Phong tập trung phát triển vùng cam bền vững

31/08/2023 16:30
Theo báo cáo của UBND huyện Cao Phong, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có diện tích trồng cây có múi, nhưng tập trung chủ yếu ở các xã vùng giữa của huyện như: xã Hợp Phong, Tây Phong, Bắc Phong, Thu Phong, Thị trấn Cao Phong (bao gồm cả đơn vị Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình).
Cam Cao Phong nổi tiếng về chất lượng, thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng

Năm 2021, diện tích cây có múi toàn huyện hiện có là: 1.917,29 ha, trong đó diện tích cây cam là: 1.530,36 ha; cây quýt là 84,5 ha; cây chanh là: 75,8 ha; cây bưởi là: 226,63 ha; Sản lượng niên vụ 2021 - 2022 khoảng 22.000 tấn. Từ năm 2022 đến tháng 6/2023, Diện tích cây có múi toàn huyện hiện có là 1.744,4 ha, trong đó diện tích cây cam là: 1.357,4 ha (trong đó diện tích cây thời kỳ kinh doanh: 1.328,5ha, cây thời kỳ KTCB: 28,9ha); cây quýt là 73 ha; cây chanh là: 56,6 ha; cây bưởi là: 257,4 ha. Sản lượng niên vụ 2022 - 2023 khoảng 20.000 tấn.

Cơ cấu giống hiện nay bao gồm từ chín sớm đến chín muộn (Quýt ôn châu,Cam mát, Lòng vàng, Xã đoài, Cam canh, Cam V2).

Nguồn gốc cây giống bà con nông dân ở các xã tự mua tại các của hàng, đại lý kinh doanh cây giông trên địa bàn huyện. Hiện nay trên địa bàn huyện có 04 của hàng, đại lý kinh doanh cây giống). Đối với Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình, nguồn gốc cây giống, tất cả các diện tích trồng trong diện quy hoạch của Công ty từ năm 2018 trở về trước đều do Công ty tự sản xuất và tham gia đầu tư cây giống cùng các hộ, gốc ghép được gieo từ hạt bưởi chua, mắt ghép khai thác tại những vườn cây đầu dòng đã được công nhận, được chọn lọc từ các vườn cây ưu tú tại địa phương. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ nhận khoán tự ý mua giống ở nơi khác, giống trôi nổi đưa vào trồng trên diện tích đất nhân khoán.

Hiện nay trên địa bàn huyện có tổng số gần 500 ha diện tích cam VietGAP; trong đó: 314ha do Phòng NN&PTNT quản lý; 183 ha diện tích của Công ty TNHH MTV Cao Phong.

Cam Cao Phong chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước thông qua các kênh như: Chi nhánh Bưu chính Viettel Hòa Bình tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử  voso.vn; Bưu điện tỉnh Hòa Bình trên sản thương mại điện tử Postmart.vn, các đơn vị này chủ yếu hỗ trợ kết nối tiêu thụ về cam, quýt. Tiêu thụ thông qua các cửa hàng Đại lý, sạp bán cam của các hộ gia đình gây dựng. Các thương lái thu mua đến từ các địa phương khác trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, đầu năm 2023 đối tác thu mua và xuất khẩu sang thị trường Anh quốc gần 7 tấn cam.

Tuy nhiên hiện nay, một số diện tích cam Cao Phong đang vào kỳ suy thoái vườn cây. Một số diện tích bị sâu bệnh gây hại diện rộng và tích lũy nhiều năm gây suy thoái vườn cây, dẫn đến các vườn cây phải xin hủy trước hạn nhiều. Ngoài ra, còn nguyên nhân do suy thoái đất canh tác, cam cuối chu kỳ….do đó, cần thời gian loại bỏ cây cũ, trồng cây mới; cải tạo đất, để đất có thời gian “nghỉ ngơi”.

Để phát triển vùng cam bền vững, thời gian tới huyện cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người lao động nhất là kỹ năng nhận biết triệu chứng gây hại của từng loại sâu, bệnh nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm) và giải pháp phòng ngừa, khắc phục để hạn chế nguồn hại trên vườn. Phân vùng sản xuất theo từng giống vì mỗi giống sẽ có những loại sâu bệnh hại chính khác nhau để áp dụng biện pháp phòng ngừa hợp lý. Tăng cường kiểm tra xử lý các cơ sở sản xuất, buôn bán giống không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ngành. Rà soát, bố trí lại các diện tích sản xuất không đạt yêu cầu và vận động hủy bỏ các vườn cây nhiễm bệnh nhằm làm sạch môi trường sản xuất ổn định lâu dài. Tuân thủ áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất đồng bộ kịp thời từ giống đến phân bón, phòng trừ dịch hại,... đảm bảo hiệu quả. Luân canh cây trồng hợp lý, đủ thời gian để cải tạo đất, hỗ trợ nông dân phân tích, xét nghiệm đất, mẫu vật hại để có biện pháp chăm sóc phù hợp./.