DetailController

Tin từ các đơn vị

Cao Phong tập trung phát triển các loại cây có múi

26/12/2013 00:00
Với lợi thế đất đai, nguồn nhân lực nên những năm qua việc phát triển các loại cây trồng có múi trên địa bàn huyện Cao Phong đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với các loại giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương cho năng suất cao, chất lượng khá như cam Xã Đoài, cam V2, cam CS1, cam đường canh, quýt Ôn Châu...không chỉ giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Mô hình trồng cam đã mang lại hiệu quả cao cho người dân trên địa bàn thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong

 Theo UBND huyện, cam, quýt được trồng tại huyện Cao Phong từ những năm 1960 và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đầu những năm 1970 Nông trường Cao Phong từng xuất khẩu sang thị trường Đông Âu mỗi năm trên dưới 1.500 tấn cam quả. Đến nay cây ăn quả có múi là một trong 2 cây trồng có giá trị kinh tế cao trong sản xuất hàng hoá của huyện. Theo thống kê, năm 2013 diện tích cây ăn quả của huyện là 1.134 ha (cây cam, quýt 920 ha tăng 540 ha so với năm 2007; cam, quýt trong thời kỳ kinh doanh: 500 ha;  sản lượng ước đạt trên 15.000 tấn; ước thu bình quân khoảng 500-600 triệu đồng/ha). Hiện nay toàn bộ diện tích cây có múi trên địa bàn huyện đang trồng các loaị giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương cho năng suất cao, chất lượng khá như cam Xã Đoài, cam V2, cam CS1, cam đường canh, quýt Ôn Châu... Ngoài ra, cây chanh và cây bưởi cũng được người dân lựa chọn trồng nhưng diện tích không lớn mà chỉ có trồng trong quy mô vườn nhà. Có thể nói, bên cạnh việc bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn thì huyện cũng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá nên đã hình thành, phát triển một số vùng chuyên canh theo quy hoạch. Qua một thời gian phát triển, hiện nay cây cam, quýt mang “thương hiệu Cao Phong” đã tạo được dấu ấn trên thị trường và là cây làm giàu của nhiều hộ dân của địa phương. Trong đó, nhiều hộ do có kỹ thuật chăm sóc tốt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như mạnh dạn đầu tư đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng một năm.

Để có được những kết quả đó, huyện đã thực hiện tốt công tác quản lý, xây dựng chiến lược tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước thực hiện cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất lao động tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cây ăn quả có múi trên cơ sở quan tâm đến lợi ích và nhu cầu chính đáng của nhân dân. Đồng thời tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các cấp các ngành, các tổ chức xã hội của tỉnh, huyện để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Ngoài ra, huyện đã giao các cơ quan chuyên môn xây dựng các mô hình trình diễn và hỗ trợ cây giống đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc cam, quýt cho nông dân, tổ chức các cuộc hội thảo về hợp tác đầu tư, về kỹ thuật nhằm phát triển diện tích vùng cây ăn quả, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, rải vụ thu hoạch nâng cao giá trị hàng hóa, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Mỗi năm huyện hỗ trợ từ 600-800 triệu đồng cho các hoạt động trên. Theo đó, từ năm 2010 đến nay huyện đã xây dựng nhiều mô hình nhằm tạo điều kiện cho nông dân học tập làm theo trong đó chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM 4 mô hình ứng dụng với diện tích 48,8 ha tại các xã trong đó xã Dũng Phong 33 ha; xã Nam Phong 8 ha, Thu Phong 7,8 ha. Chương trình ứng dụng KHCN của huyện có 3 mô hình trình diễn và ứng dụng với diện tích 8 ha, trong đó xã Xuân Phong 4 ha, xã Yên lập 3 ha, xã Bình Thanh 1 ha mô hình đầu tư liên kết.

Bên cạnh đó, hàng năm Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND huyện thành lập các đoàn thanh, kiểm tra, các cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn về việc “Tăng cường quản lý chất lượng giống cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện” gửi về các xã, thị trấn khuyến cáo người dân không nên mua giống cây trôi nổi trên thị trường mà liên hệ tới các cơ sở sản xuất có uy tín được cơ quan chức năng cấp giấy phép sản xuất. Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho nông dân vay vốn sản xuất bằng nhiều chính sách như hỗ trợ vay vốn cho hộ nghèo, vùng khó khăn vay vốn dài hạn, hỗ trợ lãi suất để phát triển sản xuất.

Huyện Cao Phong xác định cây có múi là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế trong những năm tới. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có khoảng 1.800 ha cam quýt các loại được trồng ở tất cả các xã trong huyện với sản lượng 20.000 tấn trở lên, tập trung ở các xã và thị trấn nhiều diện tích có độ dốc thấp. Cơ cấu giống hình thành theo hướng rải vụ như giống chín sớm CS1, quýt Ôn Châu; chín trung bình như cam Xã Đoài, cam đường canh và giống chín muộn là cam V2. Để làm được điều đó, Cao Phong sẽ khuyến khích cán bộ nghiên cứu khoa học để đáp ứng nhu cầu tiếp thu, ứng dụng công nghệ sinh học; tiếp nhận có chọn lọc các loại phân bón và chế phẩm sinh học phù hợp với thực tế tại địa phương phục vụ cho việc trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Các chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường; nghiên cứu và xây dựng quy trình trồng và chăm sóc cho từng giống phù hợp với điều kiện của từng xã, thị trấn; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người dân không những chỉ nghiên cứu tài liệu mà phải có những mô hình trình diễn để người dân được trải nghiệm thực tế hơn. Chuyển tải đến người dân những thông tin mới, các tiến bộ kỹ thuật qua các phương tiện thông tin để người dân nắm bắt được quy trình kỹ thuật và áp dụng vào thực tế sản xuất; phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về các thành tựu khoa học trong nông nghiệp. Đồng thời chú trọng khuyến khích các hộ nông dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng các công nghệ sinh học.

Từ cơ cấu cây giống hợp lý, kết hợp với các nhà khoa học để ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiến hành đăng ký tiêu chuẩn chất lượng cho cam Cao phong như tiêu chuẩn VietGap, AseanGap, EuroGap  nhằm có sản phẩm cam sạch, một quy trình sản xuất khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tăng khả năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, huy động các nguồn vốn nhất là vốn trung hạn với lãi xuất thấp để phát triển cam. Trong điều kiện người trồng cam đang khó khăn về vốn thì nên thực hiện giải pháp huy động vốn từ các nhà đầu tư theo mô hình “Liên kết hợp tác sản xuất trồng cây có múi”. Theo đó người dân thì có đất có công lao động, nhà đầu tư có vốn và kỹ thuật. Mô hình này có thể triển khai và nhân rộng thông qua sự thỏa thuận và thống nhất giữa người nông dân và nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và nông dân.