Trong đó tập trung vào một số cây trồng vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của huyện như cây ăn quả có múi, cây mía, nuôi trồng thủy sản vùng hồ Sông Đà…, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn như: Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, sản xuất hàng hóa theo mô hình gia trại, trang trại, quan tâm củng cố và phát triển nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác làm ăn có hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, xây dựng nhiều mô hình mới, nhân rộng các mô hình sản xuất đang hoạt động có hiệu quả, phát triển các mô hình sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường. Khuyến khích liên kết 4 nhà, liên doanh liên kết theo phương châm “doanh nghiệp hóa, liên kết hóa, xã hội hóa”, đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức doanh nghiệp, Hợp tác xã… vừa quan tâm phát triển kinh tế hộ. Công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch cũng được bà con nhân dân trên địa bàn huyện quan tâm, ngoài ra người dân cũng đã biết cách áp dụng các biện pháp bảo quản sau thu hoạch, giảm tổn thất cho các sản phẩm nông sản.
Các hình thức tổ chức sản xuất luôn được thay đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương, các hình thức tổ chức sản xuất phát triển nhanh và đa dạng, hiện nay toàn huyện có 40 hợp tác xã (31 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 02 hợp tác xã nông nghiệp và cơ khí, 02 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 02 hợp tác xã vận tải đường thủy nội địa, 01 hợp tác xã điện năng, 01 hoạt động lĩnh vực du lịch, 01 hoạt động tín dụng), 13 tổ hợp tác, có một số doanh nghiệp ngoài huyện đầu tư vào nông nghiệp bước đầu đã đem lại hiệu quả như Công ty Quang Hà, Công ty TNHH Hùng Phong, Cam Cao Phong,... từng bước phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Để phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng, UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Diện tích gieo trồng hàng năm ổn định khoảng trên 400ha, sản lượng ước đạt trên 4.200 tấn/năm. Trong đó, định hướng phát triển các nhóm rau an toàn, tập trung như: Nhóm rau ăn lá (rau cải các loại, rau muống, rau ngót, rau mùng tơi, rau dền, bắp cải, susu...); Nhóm rau ăn quả, ăn củ (bí xanh, dưa chuột, bí đỏ, mướp đắng, su hào, khoai tây, ớt cay, ...); Nhóm rau khác (rau họ đậu, nhóm rau gia vị, nhóm rau bản địa, nhóm dưa lấy quả...).
Theo đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xác định quy mô sản xuất rau tập trung trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương. Ưu tiên dồn điền đổi thửa, tận dụng hạ tầng sẵn có trên đất trồng lúa nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành vùng sản xuất rau tập trung; tăng cường sản xuất rau vụ Đông, tận dụng diện tích đất bưa bãi để thâm canh tăng diện tích gieo trồng. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng rau, ưu tiên tại các vùng tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, nâng cao năng lực cho các thành viên Hợp tác xã sản xuất rau an toàn để xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất rau. Đối với hộ gia đình sản xuất rau, cần liên kết với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã và Tổ hợp tác để sản xuất rau tại các vùng tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ về quy trình sản xuất rau an toàn, sơ chế, bảo quản rau,....
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ trong sản xuất các giống rau mới, các giống lai F1 (bí xanh, bí đỏ, cải bắp, cà chua, dưa chuột, ớt cay...) có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ; chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn vào thực tiễn sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn, gắn với mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu (nếu có); đa dạng hóa các kênh phân phối rau an toàn, hỗ trợ kết nối các chợ đầu mối, sàn giao dịch; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm rau của huyện….