Hiện nay, huyện đã thành lập được đội Thông tin lưu động trực thuộc Trung tâm văn hoá - thể thao huyện hoạt động thường xuyên, gồm 8 cán bộ, nhân viên đều được đào tạo cơ bản về nghệ thuật; 124 xóm, bản, khu dân cư trong toàn huyện đều có đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, hàng năm mỗi đội được hỗ trợ 2.000.000 đồng từ ngân sách nhà nước. Hoạt động của các đội văn hoá phục vụ vào các dịp diễn ra các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, các dịp lễ hội phục vụ nhân dân và trở thành nòng cốt của phong trào văn hoá nghệ thuật quần chúng. Một số câu lạc bộ nghệ thuật được phát triển: Câu lạc bộ thơ ở xóm khụ xã Bắc Phong với 30 hội viên tham gia,; Câu lạc bộ âm nhạc dân tộc và thơ ca của Hội người cao tuổi xã Nam Phong với 25 hội viên tham gia; Câu lạc bộ thơ ở thị trấn Cao Phong.
Trong những năm qua, công tác phát triển, bảo tồn các công trình nghệ thuật gắn với thu hút đầu tư và du lịch ngày càng được quan tâm hơn. Trên địa bàn huyện có gần 20 di tích các loại, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia là Di tích Lịch sử văn hóa Cao Phong - Thạch Yên (ở Xã Yên Thượng và xã Tân Phong), quần thể hang động Núi Đầu Rồng ở thị trấn Cao Phong; di tích cấp tỉnh Tượng đài Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan (ở xã Bình Thanh), Đền Thác Bờ (ở xã Thung Nai)... Ngoài ra, các giá trị văn học nghệ thuật khác như: Lễ hội Mường Thàng, nghệ thuật cồng chiêng, sự tích Vườn hoa núi cối gắn với trường ca Đẻ đất đẻ nước, Mo Mường, Truyền thuyết con côi, Nàng ờm và chàng Bồng Hương, Út lót-Hồ liêu của đồng bào Mường; Lễ cấp sắc, tết nhảy của bào Dao. Huyện đang tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tôn tạo khu di tích Vườn hoa Núi Cối thuộc địa bàn hai xã Tân Phong và Dũng Phong để đưa vào khai thác.
Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong những năm qua có bước phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Toàn huyện có 124 đội văn nghệ ở 124 xóm, khu dân cư; 13/13 xã, thị trấn có đội văn nghệ tuyên truyền và 1 đội thông tin lưu động của huyện hoạt động thường xuyên; 109/124 xóm, khu dân cư đã xây dựng được Nhà văn hóa. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá của các dân tộc trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được coi trọng; duy trì tốt bản mường truyền thống ở xóm Mừng và xóm Cạn 2 xã Xuân Phong, bản Giang Mỗ 2 xã Bình Thanh.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Sau 5 năm thực hiện trên địa bàn huyện đã góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển văn học nghệ thuật theo hướng khai thác, phát huy, bảo tồn, quảng bá những nét văn hoá đặc sắc của nhân dân các dân tộc.Tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ có điều kiện phát huy năng lực sáng tác, tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, mang tính giáo dục, có sức lôi kéo,cổ vũ mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.