DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Cao Phong mùa cam chín

19/02/2013 00:00

Cứ mỗi độ thu hoạch về, vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) lại rộn ràng kẻ bán người mua. Những vườn cam trĩu quả, trải dài, vàng óng như để cám ơn công sức lao động của người dân nơi đây đã một nắng hai sương chăm sóc. Đáng mừng hơn trong vụ cam năm nay, niềm vui của bà con nông trồng cam trên địa bàn huyện như được nhân đôi khi được mùa lại được cả giá.

cam Cao Phong được mùa, được giá

Cây cam Cao Phong đã có mặt trên địa bàn huyện vài chục năm nay. Cam đường Canh, V2…của huyện Cao Phong được người dân biết đến với vị ngọt riêng của mình với tép mọng nước, mẫu mã đẹp. Sau một thời gian phát triển, cây cam trên địa bàn đã trở thành một loại cây trồng không chỉ giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Và thực tế những năm qua cho thấy, người dân trên địa bàn đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thích đáng cũng như chú trọng trồng các loại giống có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mạnh nên đã có thể làm giàu tư trồng cam. Gặp anh Đặng Tiến Học ở khu 5A, thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong (Hòa Bình) tại vườn cam đường Canh và V2 rộng khoảng 4.000 m2 của gia đình khi đang hái cam bán. Nét mặt tươi vui, anh cho biết “cam đường Canh và V2 của chúng tôi năm nay gặp thời tiết thuận lợi chắc chắn được mùa các anh ạ! Mừng hơn nữa, khi cam không chỉ được mùa mà còn được cả giá. Mỗi kg cam đường Canh, bán tại vườn cũng được hơn 20.000. Còn cam V2 là giống cam chín muộn, gia đình sẽ để qua Tết Nguyên đán sẽ bán và giá đã được thương lái mua tại vườn hiện nay khoảng 40 nghìn đồng/kg. Hiện nay, với bốn nghìn m2 gia đình tôi trồng khoảng 150 gốc cam đường Canh và V2, trong đó chủ lực là cam V2 (giống mới nhất, ngon, giòn, ngọt và thời gian bảo quản cũng được lâu hơn). Nếu thời tiết cứ thuận lợi như hiện nay, mỗi cây có thể đạt từ 80 kg đến 1 tạ quả, bình quân thu hoạch khoảng hơn 10 tấn/vụ. Trừ chi phí giống, phân bón, chăm sóc gia đình sẽ có lãi khoảng 400 triệu đồng/vụ này”. Cũng như gia đình anh Học, chị Nguyễn Thị Thanh ở khu 5A, thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong đã trồng cam được hơn mười năm nay. Hiện nay, gia đình chị trồng khoảng 1,2 ha chủ yếu là giống V2 với 550 gốc. Chị cho biết, cam là loại cây trồng không khó, phù hợp với đồng đất nơi đây, ít sâu bệnh, chăm sóc chủ yếu là bón phân chuồng, lân và hàng tưới nước đều đặn cũng như thời tiết ủng hộ thì chắc chắn sẽ được mùa. Dự kiến với 1,2 ha cam, năm nay gia đình chị có thể thu về khoảng vài chục tấn cam, trừ chi phí cũng lãi hàng trăm triệu đồng/vụ.

            Ông Phạm Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong cho biết, nông dân huyện Cao Phong có trình độ thâm canh cam từ những năm 1960. Sau khi huyện Cao Phong tách ra từ huyện Kỳ Sơn thì lãnh đạo huyện và nhân dân trên địa bàn đã nỗ lực thực hiện việc nâng cao trình độ thâm canh với cây cam và một số loại cây trồng mũi nhọn khác. Trong đó, cây cam được xác định là một trong hai loại cây trồng mũi nhọn, là cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu và là mục tiêu chính để phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2005-2010 cũng như các giai đoạn tiếp theo, nhằm hướng tới sản xuất theo hướng hàng hóa. Thực tế đã chứng minh, trong những năm gần đây qua sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của nhân dân thì cây cam đã và đang ngày càng khẳng định được chất lượng trên đồng đất cũng như đối với người tiêu dùng. Vì vậy, trong những năm qua sản phẩm cam đã được tiêu thụ khá tốt và cũng đã được thị trường chấp nhận. Ngoài việc đưa cây cam trở thành cây trồng chủ lực ở một số địa phương thì thời gian qua, huyện Cao Phong cũng đã dành ngân sách nhằm khuyến khích các hộ trồng cam, nhất là những vùng lân cận với thị trấn để tiếp cận với khoa học công nghệ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH một thành viên rau quả Cao Phong, là một trong những doanh nghiệp Nhà nước, nơi có khả năng tuyên truyền và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để phát triển cây cam trên địa bàn huyện. Sau khi được chuyển giao, người trồng cam cũng đã chủ động làm chủ khoa học kỹ thuật, tích cực đầu tư, đưa những loại giống mới vào sản xuất nên năng suất chất lượng cam đã được nâng lên đáng kể. Hiện nay, toàn huyện Cao Phong trồng hơn 700 ha (chủ yếu nằm ở khu vực thị trấn Cao Phong khoảng 500 ha, còn lại ở một số địa phương khác), trong đó các giống cam có giá trị kinh tế cao chiếm khoảng 40% diện tích. Việc thu hoạch các giống cam cũng được kéo dài bắt đầu từ cuối năm trước đến đầu năm sau. Từ việc trồng cam, hiện nay nhiều gia đình trên địa bàn đã xóa được đói, giảm được nghèo và làm giàu; thu nhập bình quân mỗi ha cam đạt khoảng 500-600 triệu đồng/vụ.

            Điều đáng ghi nhận tại vùng cam Cao Phong trong thời gian qua là việc xuất hiện mô hình tư nhân hợp tác đầu tư để cùng phát triển trong việc trồng cam. Anh Nguyễn Xuân Phúc, một trong những người đi đầu trong mô hình này cho biết, hiện nay tôi đang hợp tác với các hộ nông dân ở trên địa bàn hai huyện Cao Phong và Kim Bôi với diện tích khoảng 40 ha. Theo đó, các hộ dân sẽ bỏ đất đai, công chăm sóc, tôi bỏ vốn, giống, khoa học kỹ thuật. Đến thời gian thu hoạch thì doanh thu, lợi nhuận sẽ được chia đôi. Bước đầu mô hình này đã phát huy một phần hiệu quả, được nông dân đón nhận và nhìn nhận một cách tích cực. Cũng theo anh Phúc, mô hình sẽ khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương như đất đai, khí hậu, lao động, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật...để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp đặc sản là thế mạnh của địa phương. Làm ra nhiều sản phẩm cho gia đình và xã hội; mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân, nhà đầu tư; giải quyết được một phần bài toán về phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Hơn nữa, mô hình sẽ là sân chơi cho nhiều thành phần kinh tế trong xã hội; tạo nên sự gắn kết kinh tế trong cộng đồng. Huy động được nguồn vốn nhàn rỗi; tạo được môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu và áp dụng các công trình nghiên cứu của họ vào thực tế. Đồng thời, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân vùng nông thôn từ tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, mô hình cũng hứa hẹn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, nhất là khu vực vùng đồi núi, vùng khó khăn. Từng bước giúp người dân tiếp cận dần với sản xuất nông nghiệp hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất...

Mặc dù cam Cao Phong đã và đang được người tiêu dùng chấp nhận do chất lượng ngon, bảo đảm nhưng việc nhiều nơi “nhái” cam Cao Phong đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín cũng như sản xuất của bà con. Theo ông Phạm Hồng Quân, hiện nay huyện đang khẩn trương xây dựng thương hiệu cam Cao Phong để giúp nhân dân yên tâm sản xuất cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ và mở rộng diện tích sản xuất trong thời gian tới.