DetailController

Thời sự trong ngày

Cao Phong: Chủ động chăm sóc cho hai cây trồng chủ lực ngay từ đầu vụ Đông - Xuân năm 2022 - 2023

01/02/2023 00:00
Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Đông – Xuân năm 2022 – 2023, đến nay, các đơn vị, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp huyện Cao Phong đã cung ứng đầy đủ, kịp thời giống lúa, ngô, phân bón, thuốc BVTV, đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ chiêm xuân 2023. Các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển bình thường, không có diện tích mạ bị chết và sâu bệnh. Toàn huyện làm đất được khoảng 80% diện tích. Các hồ, đập chứa nước đảm bảo phục vụ nước tưới cho gieo trồng. Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi duy trì ổn định. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên 133 ha với 470 lồng.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT và huyện Cao Phong kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ Đông – Xuân 2022 – 2023

Huyện có 2 loại cây chủ lực, gồm cây ăn quả có múi và mía. Niên vụ 2022 – 2023, sản lượng cam, quýt ước đạt trên 20 nghìn tấn. Người dân đã thu hoạch xong các giống cam, quýt chín sớm; thu hoạch khoảng 246 ha mía, giá trị bình quân ước khoảng 350 – 400 triệu đồng/ha. Dự báo trong thời gian tới, thời tiết diễn biến phức tạp; các đợt rét đậm, rét hại có khả năng gây hại từ cuối tháng 01 đến tháng 02/2023. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất thuận, đảm bảo thực hiện thắng lợi sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022- 2023. Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt một số các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022- 2023.

Đối với cây trồng vụ Đông năm 2022: Tập trung chỉ đạo chăm sóc quản lý tốt dịch hại trên các loại rau màu; tiến hành thu hoạch nhanh gọn, kịp thời các loại cây trồng đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất, chất lượng và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Đối với sản xuất lúa và cây màu vụ Xuân năm 2023: Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, tiếp tục rà soát những diện tích đất lúa không chủ động nước, đất cấy lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây màu có giá trị kinh tế cao như: cây rau họ bầu bí, cây ngô sinh khối, ngô ngọt, ngô nếp...Đẩy nhanh tiến độ làm đất trên diện tích không gieo trồng cây vụ Đông và diện tích đã thu hoạch, phơi đất nhằm cải tạo chế độ khí và tiêu diệt nguồn sâu bệnh hại trong đất để tăng hiệu quả sản xuất lúa vụ Xuân.

Tổ chức thực hiện khơi thông dòng chảy, phát dọn cỏ rác trên các tuyến mương để hạn chế thất thoát nước, thuận lợi cho việc dẫn nước phục vụ sản xuất. Đảm bảo nguồn nước phục vụ làm đất, gieo trồng đúng khung thời vụ. Trong quá trình sản xuất, khuyến cáo người nông dân cần tiết kiệm nước, đảm bảo đủ nước cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Tuân thủ nghiêm cơ cấu các trà lúa, cơ cấu giống lúa, bộ giống lúa chủ lực đã được xây dựng cho các xóm.Tăng cường tập huấn và thông tin tuyên truyền kỹ thuật ngâm ủ, xử lý hạt giống, kỹ thuật làm mạ nền cứng, kỹ thuật gieo mạ, để đảm bảo đủ mạ chất lượng tốt phục vụ cho việc gieo cấy. Vận động nông dân sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng, có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện của địa phương; đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, cơ cấu các trà lúa.

Đối với diện tích lúa mới cấy, mạ đã gieo,cây trồng màu vụ xuân cần tuân thủ đúng kỹ thuật, tránh để cây bị chết do rét.  

Đối với 2 cây trồng chủ lực là cây mía và cây ăn quả: Đảm bảo duy trì phát triển diện tích mía theo kế hoạch, riêng mía nguyên liệu cần có hợp đồng liên kết tiêu thụ. Đẩy nhanh tiến độ trồng mới theo khung thời vụ, sử dụng hom giống khỏe, sạch bệnh; bón phân đầy đủ, cấn đối. Mở rộng diện tích mía tím có sử dụng giống nuôi cấy mô. Tiến hành vệ sinh vườn, chăm sóc, bón đầy đủ, cân đối theo quy trình kỹ thuật khuyến cáo, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Công tác bảo vệ thực vật cần tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất sứ, ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam. Với diện tích cây ăn quả trong kế hoạch trồng mới cần bố trí bộ giống phù hợp, rải vụ để đảm bảo thị trường đầu ra ổn định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm quản lý tốt các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, đảm bảo cung cấp lượng giống đúng tiêu chuẩn phục vụ sản xuất. Đối với diện tích kinh doanh: Tiến hành các biện pháp chăm sóc, vệ sinh vườn, bón phân phục hồi cây sau thu hoạch; chú ý cần bổ sung thêm các loại phân trung, vi lượng để tăng khả năng đậu hoa, đậu quả.