Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và IDC vừa có bản báo cáo về tình trạng vi phạm bản quyền phần trên toàn cầu trong năm 2009. Theo đó, BSA cho rằng vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam vẫn giữ ở mức 85%, bằng với năm 2007 và 2008.
Số liệu này đã khiến dư luận bất bình. Các chuyên gia Việt Nam không đồng tình.
Đối tượng trong báo cáo năm nay của BSA và IDC là tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính cá nhân của 111 quốc gia. Trong đó tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm toàn thế giới là 43%, tăng 2% so với năm ngoái, giá trị thất thoát do vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu là 51,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam thất thoát 350 triệu USD. Mặc dù vậy, nghiên cứu của BSA cũng thừa nhận trong năm 2009 Việt Nam đã đầu tư nhiều hơn cho bản quyền phần mềm, tăng hơn 30% giá trị so với năm 2008.
Như vậy, theo đánh giá của BSA, đây là năm thứ 3 Việt Nam không có cải thiện về vấn đề bảo vệ bản quyền phần mềm.
Từ 2003 đến nay, tổ chức này đã liên tục công bố báo cáo hàng năm về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ vi phạm cao nhất là năm 2004 với 92%, giảm dần xuống 90%, rồi 88% qua các năm và dừng lại ở tỷ lệ 85% trong hai năm 2007, 2008.
Trước thông tin sắp trên, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam (VAIP) tỏ ra không đồng tình. Ông khẳng định, đây thực chất chỉ báo cáo phần mềm PC, không bao gồm máy chủ, phần mềm di động..., mà chỉ tập trung ở phần mà chỉ tập trung ở phần mềm hệ điều hành, văn phòng, virus... Vì vậy, phần mềm trên máy tính cá nhân không được coi là đại diện cho phần mềm nói chung.
Mặt khác, số lượng PC và Notebook ở Việt Nam trong hai năm qua cũng chưa có tổ chức hay công cụ nào có để đo được chính xác tăng hay giảm. Vì thế, cơ sở tính toán của BSA và IDC chưa phản ánh đúng thực trạng vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam.
Đặc biệt, các chuyên gia đều cho rằng, tỷ lệ sử dụng phần mềm mã nguồn mở là một lĩnh vực mà BSA và IDC không hề tính đến. Đây là điều không hợp lý, trong khi xu thế chuyển dịch phần mềm bản quyền sang phần mềm nguồn mở và các dịch vụ phần mềm trên mạng phát triển mạnh ở Việt Nam.
“Với cách tính này, nếu Việt Nam dùng càng nhiều phần mềm nguồn mở thì tỷ lệ vi phạm bản quyền theo tính toán của BSA và IDC sẽ càng lớn. Thậm chí nếu 100% máy tính của Việt Nam dùng phần mềm nguồn mở, có thể tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm sẽ là 100%”- ông Lê Hồng Hà, thành viên của Hội Tin học Việt Nam nói.
Theo ông Hà, cách tính của BSA và IDC cho thấy tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm 85% của Việt Nam năm 2009 nói cách chính xác hơn là tỷ lệ máy tính không cài đặt phần mềm thương mại.
Chuyên gia cũng cho rằng, cách tính của báo cáo bản quyền này cũng không tính đến những phần mềm được tặng miễn phí như các phần mềm và công cụ cho giáo dục, các phần mềm tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates cho dự án năng cao năng lực sử dụng máy tính và truy cập Internet trị giá 2,5 triệu USD được triển khai trong năm 2009...
Cùng đó, các máy tính lắp ráp thương hiệu Việt Nam cũng được các nhà lắp ráp liên hệ với nhà cung cấp phần mềm để mua với giá ưu đãi và cài đặt sẵn trong máy; 100% máy tính bàn và laptop được cung cấp phần mềm diệt virus có bản quyền.
Dù thế, các chuyên gia đại diện đều không phủ nhận hiện tình trạng dùng phần mềm “chùa” tại Việt Nam vẫn ở mức cao, nhưng đã có sự chuyển biến tích cực từ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong những năm qua. Theo ông Nguyễn Long, năm 2009, Việt Nam đã chi 62 triệu USD để mua bản quyền phần mềm, so với năm 2008 chỉ 42 triệu USD là cao hơn đến 14%.
Với những phân tích này, Hội Tin học Việt Nam cho rằng, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm năm 2009 ở Việt Nam có xu hướng giảm mạnh, ước giảm tới 10% so với con số 85% của BSA.
Ý kiến được đưa ra là, chính cộng đồng Việt Nam sẽ phải có một nghiên cứu chi tiết đánh giá độc lập về tôn trọng bản quyền phần mềm. Với kết quả có được Việt Nam sẽ tự nhận thấy thực chất vấn đề đến đang ở mức nào.