DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Cẩn trọng khi bệnh tay chân miệng vào mùa

20/04/2015 00:00
Theo báo cáo bệnh truyền nhiễm của Trung tâm y tế dự phòng, đến ngày 12/4, toàn tỉnh ghi nhận 103 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó nhiều nhất tại huyện Cao Phong 33 ca, Yên Thủy 21 ca, thành phố Hòa Bình 15 ca, Mai Châu 11 ca, Đà Bắc 10 ca… Có 2 huyện chưa có ca mắc bệnh là Kim Bôi và Tân Lạc. So với thời điểm này của năm 2014, số ca mắc năm nay tăng thêm 60 người. Trong khoảng tháng 2 – tháng 5, tháng 9 – tháng 10 lúc thời tiết giao mùa, cũng là thời điểm vào mùa của bệnh tay chân miệng.

 Theo bác sỹ Mai Đức Sỡi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Cũng như sởi, bệnh tay chân miệng lây lan qua đường hô hấp và khả năng bùng phát dịch rất cao. Nếu sởi hay thủy đậu đều có vaccine chủng ngừa và không bị mắc lại thì bệnh tay chân miệng chưa có vaccine và vẫn luôn có khả năng bị mắc lại nhiều lần. Mối nguy hiểm của bệnh tay chân miệng chính là những biến chứng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Nếu không đưa trẻ nhập viện để được điều trị kịp thời thì dễ dẫn tới tử vong.

Khi trẻ có các triệu chứng ban đầu sốt cao (thường khoảng 38-39°C), chán ăn, ho, đau bụng, đau họng. Đôi khi, bệnh tay chân miệng có thể gây nôn, nhất là nếu do chủng enterovirus 71 gây ra. Những triệu chứng sớm này có thể kéo dài 12 - 48 giờ thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Các triệu chứng dấu hiệu nặng là sốt cao, khó hạ, uống thuốc không đáp ứng. Ngủ giật mình, chới với, ói nhiều, đi run tay run chân thì phải đưa đến bệnh viện.

Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh do nhiều virus thuộc nhóm virus đường ruột gây ra, lây lan rất phức tạp qua đường tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp. Vì chưa có vaccine đặc trị nên vấn đề vệ sinh cá nhân được coi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Đặc biệt, trẻ em ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo rất dễ mắc bệnh vì các em chưa có thói quen vệ sinh cá nhân.

Tại các trường học, nhà trường cần tăng cường biện pháp tuyên truyền, khi có trẻ mắc bệnh cân phải làm theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, cán bộ y tế, giáo viên thường xuyên tìm hiểu, theo dõi tình hình dịch bệnh của địa phương từ các kênh thông tin để có phương án chủ động phòng, tránh. Các bậc phụ huynh cần tăng cường chế độ dinh dưỡng trong khảu phần ăn của trẻ, giúp trẻ nâng cao sức đề kháng với các dịch bệnh nói chung, bệnh tay chân miệng nói riêng./.