Theo đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh thì trong quá trình thu thập chứng cứ, tài liệu tố giác của người dân, lực lượng chức năng xác định được thủ đoạn của các đối tượng không mới đó là vẫn gọi điện giả danh Công an đang điều tra vụ án có liên quan đến nạn nhân. Chúng dựng lên một kịch bản chi tiết, sử dụng những thông tin, tài liệu để khống chế nạn nhân, buộc “con mồi” tin rằng mình là bị hại hoặc có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Từ đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền sang một tài khoản khác, hoặc cung cấp số tài khoản, mật khẩu để rút tiền của nạn nhân. Khi nạn nhân chuyển tiền thì bọn chúng sẽ chiếm đoạt.
Điển hình, mới đây ngày 17/4/2020 Công an Thành phố Hòa Bình tiếp nhận đơn trình báo của bà Đ.T.P (Sinh năm 1954) trú tại Phường Tân Thịnh trình báo về việc bà bị một đối tượng không rõ thông tin, lai lịch giả danh là cán bộ Công an thành phố Hà Nội gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trong cuộc gọi, các đối tượng này tự nhận là cán bộ Công an Thành phố Hà Nội gọi điện cho bà P với nội dung là bà có liên quan đến một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện do Công an Hà Nội đang thụ lý, yêu cầu bà P chuyển tiền vào tài khoản 10287xxxx79 chi nhánh Viettinbank Nam Chương Dương để điều tra. Sau khi điều tra, làm rõ sau khi kết thúc điều tra, sẽ hoàn trả lại số tiền mà bà đã chuyển. Tin tưởng những thông tin mà các đối tượng đưa ra, ngay trong buổi sáng ngày 17/4/2020 bà P đã đến Ngân hàng VPbank chi nhánh Sông Đà (thành phố Hòa Bình) chuyển toàn bộ số tiền 150 triệu đồng có trong tài khoản của mình đến số tài khoản mà các đối tượng gửi đến cho bà. Ngay sau khi chuyển tiền, bà P nhiều lần gọi điện lại cho số điện thoại của các đối tượng gọi đến nhưng không có tín hiệu kết nối.
Một trường hợp tương tự, ông Ng.Đ, trú tại phường Thái Bình (TPHB) bị một đối tượng tự xưng là cán bộ đang công tác tại Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý gọi điện cho ông thông báo về việc số tiền có trong tài khoản của ông Ng.Đ có liên quan đến một vụ tội phạm mua bán trái phép chất ma túy mà cơ quan CSĐT đang thụ lý. Đồng thời, yêu cầu ông Ng.Đ chuyển số tiền 512 triệu đồng vào tài khoản thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Hải Phòng mang tên Trần Tuấn Vũ để chiếm đoạt. Sau khi ông Ng.Đ chuyển tiền thì số điện thoại gọi đến cho ông không có tín hiệu kết nối. Ông Ng.Đ cho biết: Người gọi đến nói chính xác tên, tuổi và đưa ra những thông tin chính xác về số tiền có trong tài khoản, lịch sử giao dịch tại ngân hàng... nên tôi rất tin, rồi cứ thế ra ngân hàng chuyển tiền như ma xui quỷ khiến ý...
Ngoài các tường hợp nêu trên, trước đó cũng đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị V.T.H (Sinh năm 1989) trú tại xã Thịnh Minh (thành phố Hòa Bình) là giáo viên mầm non bị một người giả danh là cán bộ thanh tra, đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra tài chính đối với đơn vị chị công tác và yêu cầu chị phải cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản Agraibank E-mobile nếu không sẽ bị đình chỉ công tác. Do lo sợ, chị H đã cung cấp đầy đủ thông tin và mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng của mình theo số thuê bao nêu trên. Sau khi cung cấp thông tin, mật khẩu tài khoản ngân hàng khoảng 5 phút sau, chị H nhận được tin báo từ hệ thống của Ngân hàng là tài khoản của mình đã bị trừ số tiền 5,3 triệu đồng. Khi liên lạc lại thì số thuê bao trên không có tín hiệu kết nối.
Trước thực trạng trên, về phía cơ quan chức năng đã tập trung công tác đấu tranh phòng ngừa; Đồng thời, làm rõ các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội và các thiết bị điện thoại thông minh, vạch trần thủ đoạn hoạt động của đối tượng. Chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp của tỉnh đưa ra xét xử công khai nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Thường xuyên phát thông báo, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ, nắm chắc phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm để phòng tránh. Người dân cũng cần hết sức cảnh giác, bình tĩnh trước những cuộc điện thoại lạ và báo ngay cho cơ quan Công an khi có những cuộc điện thoại tương tự để tránh là nạn nhân giống như các trướng hợp trên./.