Nhìn về quá khứ của ngày tựu trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, học sinh cả nước hân hoan trong mùa thu lịch sử cùng lúc đón nhận bức thư chúc ngày khai giảng của Bác Hồ cùng lời dặn dò mang tầm vóc lịch sử “…Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…”
Tuy trải bao cuộc chiến tranh tàn khốc, từng ấy năm chiến đấu và kiên cường bảo vệ đất nước, nhiều thế hệ trẻ Việt Nam chịu thiệt thòi rất nhiều so với các nước bạn, nhưng chưa khi nào tinh thần hiếu học lại bị mai một theo thời gian. Từ những cánh đồng nắng hạn rát mặt người vẫn vang lên tiếng i tờ trên mình trâu, cho đến những hầm hào mùi đất thấm cả vào vở tiếng đọc bài át cả tiếng bom đạn.
Không biết có bao nhiêu lớp học sơ tán được dựng lên bởi những người thầy, người cô di tản khắp các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sự nghiệp giáo dục của Việt Nam trong 80 năm gian khổ chống ngoại xâm ấy không chỉ được viết vào trang sử mà còn khắc ghi trong biết bao thế hệ học trò Việt Nam.
Dù vậy, những gam màu ảm đạm ngày đó cũng lùi dần vào quá khứ để nhường lại khung cảnh náo nức trong ngày hội khai trường. Khăn quàng đỏ bay phấp phới trên bộ đồng phục áo trắng quần xanh, màu cờ lẫn trong màu hoa, tiếng nói cười như làm mới cả trời thu. Hòa trong niềm vui ngày đầu đến trường còn là cảm xúc vui sướng gặp lại nhau suốt cả mùa hè xa cách.
Những câu chuyện râm ran cả trong lời phát biểu khai trường của thầy hiệu trưởng. Học sinh thời nào cũng vậy, gặp là nói, kể nhau nghe những câu chuyện không phải chỉ ở trường lớp, bạn bè. Sau ba tháng, ngày khai trường là ngày của những kỷ niệm mùa hè đã qua…
Đó có thể là kì nghỉ cùng gia đình về miền biển nắng gió, những bờ cát dài, cảm giác vùi mình dưới lớp lớp sóng lớn và những đồ ăn hải sản khó quên. Đó còn là chuyến dã ngoại leo núi, những con đường phát hiện ngẫu hững và cảm giác mệt nhọc nhưng sung sướng khi đặt chân lên đỉnh, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn đất trời. Thật lạ nếu học sinh không kể lại những ngày được về quê, trốn nhà bơi sông giữa trưa nắng gắt, thả diều trên triền đê lộng gió, lăn mình vào đụn rơm,..
Rồi chúng khoe nhau những thứ đồ mới, nếu đó không phải cặp sách, hộp bút thì cũng là bộ quần áo, kiểu tóc ngồ ngộ. Những câu chuyện không thể râm ran hơn nếu không có lời nhắc nhở của thầy cô. Quả thật, nó luôn có tác dụng ngược, thay vì nghe bạn kể thật rõ thì những lời thì thầm lại càng trở nên thú vị hơn. Khắp cả sân trường, tiếng hinh hích cười làm quên đi những giọt mồ hôi, vẻ trang nghiêm của thầy cô cũng dần nhường chỗ cho cảm giác thân thương giữa những người bạn học trò. Cứ thế, ngày tựu trường thành một ngày khó quên bởi kỷ niệm được tiếp nối bằng những kỷ niệm.
Có đôi khi kỷ niệm ấy được khởi đầu bằng sự lạ lẫm. Là khi học sinh lên một bậc học mới, chuyển sang một tập thể mới. Ấy là lúc mệnh lệnh thầy cô cũng không thể giúp học sinh hòa đồng chỉ bằng lời nói. Có đôi chút ngại ngần đấy nhưng cũng thật thú vị khi biết tên ai đó, hay thậm chí nhanh lẹ hơn vì biết rằng ngày mai sẽ chung đường đi học với bạn mới nào đó. Những cái mới lạ còn chưa hết thì cũng là lúc học trò nhận ra phải bắt đầu tìm cho mình một chỗ ngồi. Ngại lắm khi bắt gặp ai đó chưa quen đang nhìn về phía mình.
Trong tập thể mới, dĩ nhiên sẽ không ngạc nhiên khi mọi người quan sát nhau. Một bạn gái xinh xắn hay một cậu trai nổi bật vô tình được nhiều bạn để ý và do đó những người này thường dễ làm quen với nhau. Những kết nối đầu tiên không phải cho việc học. Và kiến thức cho ngày đầu là bài học về cảm xúc bởi lẽ thế.
Thầy cô giáo với học trò cũng là một cuộc thử thách cả đôi bên khi cả hai đều là những người mới. Học trò thời nay thường dễ có cảm tình với thầy cô dễ thương và thân thiện hơn là một người trang nghiêm. Sự gần gũi giữa thầy cô và học trò không làm giảm đi lòng tôn kính mà ngược lại giúp sợi dây gắn bó giữa họ càng trở nên khăng khít. Thầy cô trong mắt học trò ngày nay dường như không phải là tấm gương sáng nữa mà hơn thế, họ trở thành hình mẫu, một thần tượng về phong cách bên cạnh kiến thức và khả năng sư phạm.
Học trò mỗi thế hệ lại khác biệt một chút. Mỗi chút ấy cộng dồn lại cũng khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên nếu bản thân họ ít quan tâm đến tuổi học trò hoặc giả thử điều họ quan tâm không xuất phát từ những điều bình thường nhất. Bởi khi xã hội trở nên bình đẳng và có quá nhiều nền văn hóa du nhập vào một quốc gia, cái nhìn rộng rãi, gần gũi dễ được chấp nhận hơn những quy cách, ràng buộc nghi lễ. Nên buổi tựu trường của thế hệ học trò ngày nay có thể coi là giản đơn nhưng cũng không kém phần thú vị khi nhìn nhận ở một góc độ gần gũi. Và nếu ngẫm nghĩ lại tuổi học trò của mình và thấy một phần mình trong những kỷ niệm ở trên thì sẽ thốt lên: Mình nhớ ngày khai trường!