Hiện nay, cam Cao Phong của huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã chính thức bắt đầu vào vụ thu hoạch cam, niên vụ 2022-2023. Năm nay, do được thời tiết ủng hộ, thổ nhưỡng và trình độ thâm canh được nâng lên, hứa hẹn vụ mùa cam Cao Phong đạt được thu hoạch lớn, đem lại thu nhập cao. Từ đó, chính quyền và người dân đang nỗ lực khẳng định vững chắc thương hiệu cam Cao Phong tại thị trường trong nước và quốc tế.
Với chất lượng cam có vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt thơm dịu, tép vàng, nhiều giống cam gần như không có hạt phù hợp với nhu cầu thị trường. Huyện Cao Phong hiện có 1.744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 đạt khoảng 22.000 tấn. Riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng 18.000 tấn; trong đó, diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,77 ha.
Với tiềm năng phát triển cam trong nhiều năm qua, chính quyền huyện Cao Phong đã thực hiện nhiều giải pháp định hướng, hỗ trợ người dân phát triển cây cam, giống cây chủ lực. Huyện đang thực hiện các giải pháp giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Cao Phong, là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2014; năm 2016, được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5". Cam Cao Phong có mặt ở các siêu thị như: Big C, Vinmart, Metro, BRG... tiếp cận với thị trường lớn. Cam Cao Phong được lựa chọn là món tráng miệng phục vụ hành khách của Vietnam Airlines… Từ năm 2013 đến những năm 2017 - 2019, có những niên vụ, sản lượng cam của Cao Phong đạt trên 30.000 tấn, giá trị thu nhập đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha. Nhiều hộ gia đình trở nên giàu có sau mỗi vụ cam.
Anh Phạm Văn Bách, hộ nông dân trồng cam, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong cho biết, trồng cam là nguồn thu chính trong gia đình. Nhà anh Bách trồng 2 loại cam chính là cam lòng vàng CS1 và cam canh. Trong những năm gần đây, gia đình anh Bách chú trọng vào chất lượng chứ không đi sâu vào số lượng. Trồng cam theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Loan, chủ cửa hàng Cam sạch Thanh Loan, Thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong cho biết, từ ngày có Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong, người dân nơi đây trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap, chất lượng ngày càng ngon hơn, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Mấy năm nay, nhiều loại cam ở các nơi trồng khác trà trộn vào cam Cao Phong, nhưng không cam nào có mùi vị đặc trưng như cam ở đây.
Chị Phạm Thanh Thảo, du khách từ Hà Nội cho biết, nhiều năm nay, cứ đến mùa cam Cao Phong là cả gia đình đi một chuyến xe ô tô đến tận nơi trồng để mua cam về cho gia đình và bạn bè dùng dần. Vị ngọt của cam Cao Phong có vị đặc trưng khác hẳn với các loại cam được trồng ở các nơi khác.
Việc giữ được thương hiệu cam Cao Phong ngày càng khó khăn, bởi các yếu tố chủ quan và khách quan. Hiện nay, một số diện tích cam đã qua thời kỳ kinh doanh, vào thời kỳ thoái trào theo chu kỳ, cùng với đó là nhiều diện tích cam bị sâu bệnh nên trồng cam đối với nhiều hộ dân không còn hiệu quả, dẫn đến tình trạng phá bỏ cây cam để trồng các loại cây khác. Ngoài ra, thương hiệu cam Cao Phong bị trà trộn bởi các loại cam ở các vùng khác, dẫn đến thương hiệu bị ảnh hưởng đáng kể.
Cũng theo chị Nguyễn Thị Loan, chủ cửa hàng nông sản Thanh Loan, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong cho biết, thương hiệu cam Cao Phong đứng trước nỗi lo bị lai tạp, giả mạo, nhất là sản phẩm cam của nơi khác chuyển về. Để nhận biết được cam Cao Phong chuẩn, người mua tốt nhất đến mua tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc gọi điện liên hệ trực tiếp, chúng tôi sẽ vận chuyển sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Để đảm bảo giữ vững thương hiệu, chính quyền và người dân huyện Cao Phong đã triển khai thực hiện dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung; thực hiện hỗ trợ các địa phương trong chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích cây có múi trong chu kỳ kinh doanh. Huyện đã lựa chọn vùng lõi để triển khai đề án tái canh, từ đó rút kinh nghiệm nhân diện nhằm bảo đảm hiệu quả.
Bên cạnh đó, huyện phối hợp Viện Bảo vệ thực vật, các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp kỹ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi; tổ chức lại sản xuất cây ăn quả có múi một cách bền vững, bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm nòng cốt, là trung tâm kết nối người sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Về tuyên truyền quảng bá sản phẩm cam Cao phong, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện Cao Phong nói riêng đã triển khai thực hiện hết sức bài bản trong nhiều năm qua.
Theo Ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Cao Phong sản xuất chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGap. Đến cuối tháng 11/2022, huyện Cao Phong sẽ tiến hành tổ chức Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 7, nhằm quảng bá, xúc tiến việc tiêu thụ sản phẩm kết nối nông sản cam Cao Phong đối với thị trường trong nước.
Để giữ gìn và phát triển thương hiệu cam, huyện Cao Phong đến nay đã tổ chức quản lý và sản xuất giống có chất lượng, bố trí cơ cấu giống theo hướng rải vụ, thực hiện chu trình sản xuất khép kín theo hướng sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới chuỗi tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, khách sạn, nhà hàng và xuất khẩu mang tính ổn định, bền vững./.