DetailController

Thời sự trong ngày

Cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn

18/02/2022 00:00
Xác định bảo vệ môi trường nông thôn là một trong những vấn đề quan trọng cần đặc biệt quan tâm; nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về môi trường là một tiêu chí khó với nhiều chỉ tiêu cần thực hiện để đạt theo yêu cầu đề ra khi việc ô nhiễm môi trường ở nông thôn đang là vấn đề bức xúc. Nguồn ô nhiễm môi trường do sinh hoạt hàng ngày của người dân thải ra như: nước thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm môi trường không khí từ các làng nghề thủ công, hoạt động chăn nuôi, thói quen đốt rác… đang là bài toán khó đối với các cấp, ngành.
Các địa phương đã tuyên truyền, vận động rộng rãi Nhân dân tại các thôn, bản, khu dân cư tích cực tham gia các phong trào xây dựng nếp sống hợp vệ sinh, cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ…

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo. Quá trình triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn, làng nghề đã đạt được nhiều kết quả. Về cơ bản các hộ gia đình, cụm dân cư ở các thôn, bản đã hình thành phong trào xây dựng nếp sống hợp vệ sinh, bố trí chuồng trại chăn nuôi gia súc xa nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều tập quán lạc hậu, nếp sống không văn minh ảnh hưởng đến môi trường đã được xóa bỏ. Các phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”, mô hình “Gia đình 5 không 3 sạch”, “đoạn đường tự quản”, “Hàng rào xanh”, “Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày Trái đất”, “Ngày môi trường thế giới 5 tháng 6 hàng năm”... Hướng dẫn các địa phương vận động nhân dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vận động các hộ gia đình cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ…ở các địa phương được thực hiện rộng rãi.

Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về môi trường, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Duy trì, cập nhật thường xuyên tin bài về xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường trên website của ngành; đăng tải các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, lồng ghép với nội dung tập huấn công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương và doanh nghiệp. Thực hiện việc lồng ghép các nhiệm vụ về BVMT trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 71/131 xã đạt tiêu chí về môi trường, đạt 54,2%.

Về công tác kiểm soát việc sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ dịch hại, phân bón, thức ăn chăn nuôi,  khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch trong sản xuất trồng trọt nhằm bảo vệ môi trường như quản lý dịch hại tổng hợp IPM, thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý dinh dưỡng INM... Hàng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra về việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mở các lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật quy định vể kinh doanh, sản xuất, gia công đóng gói thuốc BVTV cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn. Xây dựng quy định về đào tạo và cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thuốc BVTV. Công tác quản lý, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và các sản phẩm ngoài danh mục cấm sử dụng được cải thiện rõ rệt;  ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên.

Tuy nhiên, Hòa Bình là một tỉnh miền núi có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, gặp khó khăn cho công tác triển khai, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, ở cấp huyện, xã hầu hết cán bộ được phân công kiêm nhiệm và có thể luân chuyển theo yêu cầu, do đó khó khăn cho việc thực hiện công tác quản lý môi trường ở địa phương. Thực tế cho thấy hiện nay môi trường nông nghiệp, nông thôn còn nhiều tồn tại. Ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn có xu hướng gia tăng do áp lực từ rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải bỏ từ sản xuất nông nghiệp không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh.

Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ môi trường. Chú trọng xây dựng và thực hiện hương ước, quy định, cam kết bảo vệ môi trường; phát triển các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động bảo vệ môi trường. Bảm bảo thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Khuyến khích các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường; nhân rộng các mô hình hiệu quả, chú trọng xây dựng mô hình bảo vệ môi trường lồng ghép các mô hình kinh tế- xã hội. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Xây dựng, triển khai thực hiện các dự án bảo vệ môi trường ở các lưu vực sông, các khu vực nhạy cảm, vùng nông thôn... đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường./.