DetailController

Tin từ các đơn vị

Cái tâm của người cán bộ phụ trách công tác HIV

17/03/2017 00:00
Hoạt bát, giản dị, dễ gần, tác phong nhanh nhẹn…là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về bà Đinh Thị Phong - cán bộ phụ trách chương trình HIV của Trung tâm Y tế Dự phòng (trước đây) và nay là Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc - tỉnh Hòa Bình. Song, điều khiến chúng tôi thán phục ở bà là sự tận tâm có trách nhiệm trong công tác phòng chống HIV, đặc biệt là những người nhiễm H có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Và nói một cách giản dị như bà thì "Giúp cho một người hiểu được ý nghĩa của cuộc sống khi không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ, họ có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, không để lây nhiễm HIV ra cộng đồng thì dù khó khăn đến mấy bà cũng sẽ cố gắng bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm của mình".
Bà Phong đang tận tình tư vấn cho bệnh nhân

Bà Phong chia sẻ: "Tôi được phân công phụ trách chương trình HIV từ năm 2005. Đến nay đã được hơn 16 năm trời. Lúc mới tiếp nhận chỉ có 11 bệnh nhân HIV, còn đến nay con số đó đã lên đến 65 người". Những ngày đầu khi mới bắt tay vào công việc, khó khăn chồng chất khó khăn, trước tiên là mình chưa có nhiều kinh nghiệm về công việc này.  Sau nữa là sự mặc cảm của những người bệnh và sự phân biệt kỳ thiệt rất nặng nề của xã hội đối với người nhiễm H. Nên có những bệnh nhân sau khi bà đến thăm, tư vấn cho họ về cách phòng tránh lây nhiễm, việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân không những họ không hài lòng mà còn đe dọa bà "Nếu bà còn tiếp tục đến nữa thì họ sẽ đâm chết"… Cũng có trường hợp người chồng xét nghiệm và biết bị nhiễm HIV, song khi bà đến tư vấn cho vợ con của bệnh nhân đi xét nghiệm nhưng người vợ trốn tránh không dám xét nghiệm… bởi họ sợ. Chỉ đến khi chồng mất người vợ và ba đứa con mới đi làm xét nghiệm. Thật may mắn, ba đứa con không bị nhiễm HIV từ bố nhưng người vợ lại bị không may đã bị nhiễm HIV từ chồng. Từ khi biết mình bị bệnh, chị đã chán nản, bi quan, nhiều lần muốn tự vẫn, song được sự tư vấn từ bà Phong, nên đến nay chị vẫn đang uống thuốc ARV và cố gắng sống lạc quan vì các con của mình.

Trong suốt thời gian làm chương trình HIV đến nay, câu chuyện khiến bà không thể quên được đó chính là trường hợp của bệnh nhân K. Sau khi anh K đi làm ở Hà Nội có giúp một người bạn bị đứt tay chảy máu… một thời gian sau trở về địa phương thấy sức khỏe không tốt, anh đi khám, làm xét nghiệm và biết mình bị nhiễm HIV. Sau khi biết chồng bị nhiễm H, vợ của anh K đã được bà Phong đến tư vấn đi làm xét nghiệm nhưng người vợ không đồng ý. Người chồng sau khi biết mình bị nhiễm H chỉ 2 tháng sau thì qua đời. Do quá suy sụp, và lo lắng mãi đến 2 năm sau khi chồng mất, nhờ sự tích cực tuyên truyền của bà Phong người vợ mới đi làm xét nghiệm. Khi có kết quả trên tay cũng chính là lúc chị biết mình đã chuyển sang giai đoạn AIDS, không lâu sau đó chị cũng qua đời, để lại 2 đứa con thơ cho bà ngoại nuôi nấng. Khi vợ chồng anh K qua đời vì căn bệnh thế kỷ nhưng 2 đứa con của anh chị đều chưa được làm xét nghiệm. Nhưng để làm được xét nghiệm cho cháu cũng là một chặng đường gian nan vất vả của bà Phong. Bởi mỗi lần bà Phong đến tuyên truyền, tư vấn đều bị bà ngoại và người cậu từ chối, bởi họ không mong muốn các cháu của mình có kết quả bệnh tật như bố mẹ của chúng. Mãi hơn 1 năm sau khi mẹ mất các cháu mới được gia đình đồng ý cho đi làm xét nghiệm. Khi 2 đứa cháu có kết quả trên tay, đứa em trai không may mắn như người chị gái đã bị nhiễm HIV từ bố mẹ. Nhìn cảnh 2 đứa bé mồ côi ôm nhau khóc bà cũng không kìm được nước mắt. Chính bản thân bà cũng tặng các cháu một số tiền nhỏ để động viên các cháu mua sữa và sách vở để đến trường.

Do quá nghèo khó, cộng với việc bà ngoại đã già yếu, bà ngoại và cậu của cháu có nguyện vọng đưa cháu trai đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội để cháu có cơ hội được chăm sóc và học hành chu đáo, nên gia đình đã nhờ Bà Phong đứng ra lo các thủ tục. Hiện nay chỉ còn cháu gái ở với bà ngoại và được gia đình cố gắng cho cháu được tới trường, còn cháu trai được đưa đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh. Phút giây đưa cháu đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội cũng khiến cho những người chứng kiến không khỏi xúc động.

Từ những cảnh đời, cảnh người nhiễm H, bà Phong rất thấu hiểu và chưa từng bao giờ chùn bước trước những khó khăn trong công việc mà mình được giao. Bà không ngại ngần cho bệnh nhân số điện thoại của mình để khi cần bệnh nhân có thể trao đổi trực tiếp. Bà luôn có mong muốn rằng, với sự tận tâm của mình sẽ đóng góp một phần nhỏ bé vào việc giảm tỷ lệ người nhiễm H ra cộng đồng. Do đó, bên cạnh việc đi thăm hộ gia đình đối với những bệnh nhân nhiễm H, bà còn tuyên truyền cho họ qua điện thoại, thậm chí là tuyên truyền HIV lồng ghép qua các cuộc họp tại địa phương. Ngoài ra, việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc phòng chống HIV cũng là việc làm thường xuyên và có hiệu quả.

Nhờ sự tận tâm trong công việc và Phong đã vinh dự được nhân Bằng khen của Bộ Y tế vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phòng chống HIV và rất nhiều Bằng khen, giấy khen khác của các cấp các Ngành vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua tại địa phương.