Một số nội dung cần tập trung triển khai thực hiện gồm có: Tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của địa phương để thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em. Tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/12/2012 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; đề xuất và triển khai các nội dung cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng để thực hiện quyền trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn trước mắt và lâu dài, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em.
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị, trường học, người đứng đầu đơn vị, trường học trong bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trong trường học; phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần; phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời.
Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông (sử dụng website, bảng tin của đơn vị, các hội nghị, buổi sinh hoạt lớp, lồng ghép vào các môn học...) để phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng; thông tin về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) và các dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương đến từng lớp học, trẻ em và gia đình.
Chủ động kết nối hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, bảo đảm hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại; làm tốt công tác phòng ngừa, hướng dẫn việc phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại đến Tổng đài 111 và các cơ quan có thẩm quyền theo quy trình phối hợp hỗ trợ can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tại Quyết định số 2728/QĐ-UBND 09/11/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Triển khai, nhân rộng các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia công tác trẻ em. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội của địa phương trong việc bảo vệ trẻ em.
Bố trí kinh phí, vận động và sử dụng hiệu quả, minh bạch, đúng quy định nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức cho trẻ em, hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt do COVID-19 và hỗ trợ, cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng; tham gia hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 20/9/2019 triển khai Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Triển khai kiểm tra công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; kịp thời phát hiện, báo cáo, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Tăng cường trách nhiệm của mỗi đơn vị, trường học và công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong nhà trường và gia đình./.