Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thiên tai, bão, lũ xảy ra với cường độ mạnh và ngày càng phức tạp. Với địa hình đa dạng, phức tạp, tỉnh Hòa Bình hàng năm chịu ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai. Hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi tuy đã được dầu tư tu bổ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác phòng, chống thiên tai. Vì vậy, công tác phòng, chống bão, lũ luôn được tỉnh và các địa phương quan tâm.

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra đối với tài sản và tính mạng của nhân dân. Tại huyện Lương Sơn năm 2011, do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn trên diện rộng, gây lũ ở các sông, suối gây thiệt hại tài sản và hoa màu của nhân dân khoảng 3 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện, cơ sở đã kịp thời huy động lực lượng, vật tư kinh phí, nhanh chóng khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định cuộc sống và sản xuất.
Năm 2012, ngay từ đầu năm đã xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài sau đó nắng nóng gay gắt vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, gây khô hạn trên diện rộng. Đặc biệt, ngày 17-4, lốc xoáy kèm mưa đá đã làm tốc mái 3 hộ, làm vỡ 70 tấm lợp prôximăng, đổ 1,5 ha ngô tại xã Trường Sơn… Trước diễn biến phức tạp của khí hậu, để hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, bước vào mùa mưa bão năm 2012 huyện đã kiện toàn Ban chỉ huy PCLB & TKCN các cấp từ các cấp. Các địa phương và ngành chức năng xây dựng phương án PCLB &TKCN phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình. Trong đó, tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng các công trình hồ, đập, công trình thủy lợi, phát hiện sớm các sự cố, hư hỏng đề xuất xử lý kịp thời trước mùa mưa, bão. Có kế hoạch cụ thể để chủ động di chuyển, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Tổ chức các lực lượng xung kích thường trực sẵn sàng cơ động và ứng phó; thực hiện chế độ trực ban 24/24 h trong mùa mưa, bão nhằm ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra…
Cũng tại huyện Kim Bôi mùa mưa bão năm 2011, đã có 2 người chết do lũ cuốn trôi, tốc mái 38 ngôi nhà, mất trắng 2 ha hoa màu... giá trị thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Từ nguồn quỹ PCLB, huyện đã hỗ trợ gia đình thiệt hại về người 1 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 110 triệu đồng mua rọ thép... Trước tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, công tác PCLB được huyện Kim Bôi đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Ngay từ cuối tháng 4, huyện đã tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai công tác PCLB tới tất cả các ngành, cấp. Thành lập ban chỉ đạo PCLB từ huyện đến các xã, đồng thời phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và các tiểu ban, tránh tình trạng chung chung, hình thức. Ban chỉ huy PCLB các cấp triển khai ngay công tác PCLB trên địa bàn của địa phương mình. Trước hết, kiểm tra, đánh giá chất lượng từng hạng mục công trình của đê, đập, trường học, công sở, trạm y tế, đường dây thông tin, đường dây tải điện. Sau khi kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, các đơn vị triển khai sửa chữa những hư hỏng của từng hạng mục công trình và trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, phương án PCLB và tìm kiếm cứu nạn năm 2012 của cơ sở một cách cụ thể. Bên cạnh việc phòng bị theo phương châm 4 tại chỗ, chính quyền các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền sâu rộng Pháp lệnh Đê điều và Pháp lệnh PCLB.
UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, thống kê các phương tiện vận chuyển tại địa phương, có kế hoạch huy động theo pháp lệnh PCLB khi xảy ra lụt, bão tại địa phương; quan hệ với các đơn vị sản xuất đá xây dựng, chuẩn bị đủ cơ số về bao tải, rọ sắt, đất, đá các loại đối với các xã có công trình thủy lợi trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án kè chống sạt lở xã Đông Bắc, các dự án an toàn hồ chứa hệ thống hồ Nam Thượng, hệ thống hồ Bình Sơn, có phương án đảm bảo an toàn cho các hạng mục đang thi công. UBND huyện cũng đã xây dựng các phương án PCLB&TKCN trên địa bàn huyện gồm: phương án phòng-chống lũ quét; phương án bảo vệ các đập đất, hồ chứa nước; phương án bảo vệ đê và cống dưới đê; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin liên lạc; an toàn giao thông; phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sau lũ và phương án phòng - chống lốc xoáy.
Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Hòa Bình đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, các địa phương khẩn trương củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCLB theo cấp, ngành mình quản lý; xây dựng các phương án với thực tế và điều kiện từng vùng, từng ngành, từng địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, giữa các huyện, thành phố; đảm bảo nhanh chóng khắc phúc các công trình bị hư hỏng, kịp thời cung cấp các loại vật tư, giống cây trồng, lương thực, thuốc chữa bệnh, phương tiện... đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tổ chức các lực lượng xung kích thường trực sẵn sàng cơ động và ứng phó; thực hiện chế độ trực ban 24/24h trong mùa mưa, bão, nhằm đối phó kịp thời có hiệu quả hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng; tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ đê, đập, tìm kiếm cứu nạn. Đảm bảo khắc phục kịp thời hậu quả thiệt hại sau lũ bão, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Khẩn trương hoàn thành việc tu bổ, củng cố các tuyến đê, đập, hồ chứa nước; phát hiện kịp thời những hư hỏng và các nguy cơ tiềm ẩn khác để có biện pháp ứng phó. Đối với các công trình xây dựng, giao thông, hồ chứa, kè bờ sông đang thi công phải hoàn thành các hạng mục vượt lũ trước mùa mưa bão, đảm bảo chất lượng; đồng thời phải có phương án bảo vệ và giải pháp ứng cứu khi có mưa lũ lớn. Kiểm tra vận hành thử các cửa van và thiết bị phục vụ cho xả lũ, đảm bảo công trình xả lũ vận hành tốt trong mọi điều kiện; đối với những hồ, đập không đảm bảo an toàn phải thực hiện cắt giảm dung tích hoặc không trữ nước trong mùa mưa bão.