DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Kim Bôi

14/10/2010 00:00
Trong nhiệm kỳ 2005 – 2010, Đảng bộ huyện Kim Bôi đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề phê chuẩn 12 Đề án về kinh tế, xã hội, văn hóa, xây dựng Đảng. Những Đề án này đã tạo bước đột phá mới trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở huyện Kim Bôi.
Đề án trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả, từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm huyện Kim Bôi trồng mới 1.334 ha cây lâm nghiệp,120 ha cây ăn quả

 

Trong số những Đề án, đáng quan tâm là có 4 Đề án đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân trong sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, bao gồm các Đề án: xây dựng cánh đồng thu nhập cao; dồn điển đổi thửa; trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò tại chuồng và trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Trước khi có được những Đề án này, huyện Kim Bôi đã triển khai thực hiện một số biện pháp tích cực trong sản xuất nông, lâm nghiêp về giải phóng giống cây trồng năng suất thấp, ruộng một vụ, sức lao động và đất trống, đồi núi trọc. Trên cơ sở đó, huyện quy hoạch thành những vùng kinh tế để có kế hoạch chỉ đạo sản xuất phù hợp, từng bước tạo ra những vùng chuyên canh hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao như vùng mía nguyên liệu; vùng cây lâm nghiệp; vùng dưa hấu; vùng ngô đông… Không ít các mô hình áp dụng phù hợp, hiệu quả trở thành điển hình và được nhân rộng trong toàn tỉnh, như mô hình trồng tre bát độ ở xã Kim Bôi; mô hình trồng dưa hấu trên ruộng một vụ ở xã Sào Báy; mô hình trồng mía nguyên liệu ở xã Tú Sơn; mô hình trồng rừng kinh tế ở xã Đông Bắc; mô hình trồng ngô vụ đông ở xã Vĩnh Đồng…
 
Những kết quả đạt được trong chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp đã được Huyện ủy nghiên cứu cụ thể để xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án về phát triển sản xuất. Theo đó, Đề án xây dựng cánh đồng có thu nhập cao được triển khai thực hiện từ năm 2006 với 12 cánh đồng của 12 xã làm điểm, đến nay, toàn huyện đã nhân rộng được 411 cánh đồng với diện tích 779 ha (bình quân 4,43 ha/cánh đồng). Việc xây dựng cánh đồng có thu nhập cao được áp dụng theo công thức 2 lúa + 1 màu, 1 lúa + 2 màu, hoặc 3 màu. Hầu hết các cánh đồng được áp dụng phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của nông dân. Tuy nhiên, kết quả quan trọng là những cánh đồng này đều được thâm canh, luân canh 3 vụ/năm, đem lại giá trị kinh tế cao, bình quân thu nhập từ 40 – 60 triệu đồng/ha. Không ít cánh đồng cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha như ở các xã Bắc Sơn, Đú Sáng, Kim Bình… Đặc biệt, thực hiện Đề án, nhiều xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đưa vào sản xuất thành công nhiều loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thậm trí tham gia xuất khẩu như mướp đắng, dưa chuột, bí đỏ…
 
Từ dồn điền đổi thửa, huyện Kim Bôi đã giành được quỹ đất, quy hoạch thành những vùng kinh tế mới, thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện nhiều dự án du lịch sinh thái, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 10 vạn lượt khách, doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương.
 
Tuy nhiên, do tập quán cũ của người dân quen chăn thả tự do, nên hiệu quả kinh tế chưa cao, đàn gia súc thường bị dịch bệnh, khó kiểm soát. Việc thực hiện Đề án trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò tại chuồng nhằm đảm bảo đủ nguồn thức ăn, nhất là trong mùa đông. Toàn huyện hiện có gần 3.000 hộ tham gia trồng cỏ với diện tích khoảng 570 ha. Bình quân mỗi năm, tổng đàn trâu của huyện tăng 1,52%, tổng đàn bò tăng 17,8%. Điều quan trọng mà Đề án đạt được đó là đã làm thay đổi nếp nghĩ của người dân trong phát triển chăn nuôi. Từ chăn nuôi nhốt chuồng, chủ động trong phòng, chống bệnh cho vật nuôi, người dân đã áp dụng sang chăn nuôi các loại vật nuôi đặc sản như lợn địa phương, lợn rừng, nhím….
 
Với thế mạnh đất lâm nghiệp, trong những năm qua, huyện Kim Bôi đã tập trung giao đất, khoán rừng cho người dân, phân định rõ diện tích 3 loại rừng. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăm sóc và bảo vệ rừng, đồng thời phát triển sản xuất rừng kinh tế, xây dựng thành một nghề quan trọng ở vùng nông thôn. Thực hiện Đề án trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả, từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm huyện Kim Bôi trồng mới 1.334 ha cây lâm nghiệp, hơn 120 ha cây ăn quả. Độ che phủ của rừng đạt 52%. Không chỉ trở thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, sản phẩm măng Kim Bôi đã xây dựng và khẳng định được thương hiệu không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu sang một số nước Đông Âu.
 

Theo đánh giá của Huyện ủy Kim Bôi, trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của huyện đang từng bước chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch. Những đề án được triển khai thực hiện đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế tích cực, khẳng định hướng đi đúng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp, tạo đà để huyện phát triển bền vững trong việc xây dựng nông thôn mới.