DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Bộ Y tế triển khai nhân rộng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình

15/07/2016 00:00
Ngày 15/7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, giai đoạn 2016 - 2020. Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tham dự có lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế, điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành chức năng.
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình.

 Mô hình bác sỹ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước đã và đang kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Ở nước ta, giai đoạn 2013 – 2015, đã thí điểm triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang. Hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình đã đã phát huy hiệu quả khám sàng lọc và kịp thời chăm sóc sức khỏe, quản lý sức khỏe cho nhân dân ngay tại địa phương. Tính đến hết tháng 6/2016, đã có 366 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với chỉ tiêu ban đầu đề ra là 80 phòng khám. Trong đó có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%) đã thực hiện thanh toán BHYT do các cơ sở khám chữa bệnh này đang được tham gia cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ: Kết quả hoạt động của các phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy phát triển mô hình bác sĩ gia đình góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám gia đình theo lộ trình, đảm bảo đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình hiệu quả.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế, các địa phương, các chuyên gia về y tế cộng đồng đã tiến hành thảo luận những vấn đề về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế hoạt động của phòng khám gia đình…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân là hết sức quan trọng, đặc biệt là ở địa bàn dân cư đông, xa bệnh viện tuyến huyện. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, đánh giá cao vai trò, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ban đầu tại phòng khám bác sĩ gia đình, Trung tâm y tế ở địa phương giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động. Đồng chí cho rằng điểm cốt lõi quan trọng cần đổi mới cơ chế tài chính, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương cần chung tay vào cuộc triển khai thực hiện mô hình hiệu quả. Yêu cầu ngành Y tế triển khai các giải pháp đồng bộ để nhân rộng và triển khai mô hình, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt tại các tuyến cơ sở ở địa phương; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân./.