DetailController

Thời sự trong ngày

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị cử tri sau Kỳ họp thứ hai và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất

25/04/2022 00:00
Sau Kỳ họp thứ hai và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị của cử tri như sau:

Cử tri kiến nghị: “Cử tri đề nghị trong quá trình xem xét, sửa đổi Bộ Luật Hình sự cần nghiên cứu chính sách khoan hồng của pháp luật đối với các đối tượng tội phạm được vận động ra đầu thú (Trong thực tế tại địa phương, hiện nay một số đối tượng là người dân tộc thiểu số đang bị truy nã về án ma túy, chính quyền, Nhân dân địa phương phối hợp vận động các đối tượng này ra đầu thú để được hưởng chế độ khoan hồng của pháp luật, nhằm đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, không có căn cứ để đảm bảo được mức án của các đối tượng này nằm ngoài khung án tử hình. Do vậy, việc vận động các đối tượng này đầu thú khi quyền sống không được đảm bảo là không thể thực hiện được). Cử tri mong muốn chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật cần có những quy định để các đối tượng ra đầu thú được đảm bảo quyền sống (đặc biệt là đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số), có cơ hội hoàn lương, không làm phát sinh thêm mức độ phức tạp về tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn”.

Trả lời:

Tại Văn bản số 4945/BTP-VP ngày 29/12/2021 Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Một trong những nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội được ghi nhận tại Điều 3 Bộ Luật Hình sự đó là khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều này đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 51 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Đây là một trong những điểm mới, sửa đổi, bổ sung của Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước trong việc xử lý tội phạm.