DetailController

CNTT và Viễn Thông

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trực tiếp về quản lý an ninh mạng, MXH và thông tin điện tử

19/04/2017 00:00
Thực hiện chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chiều ngày 18/4, Quốc hội đã tổ chức truyền hình trực tuyến thực hiện chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về công tác quản lý an toàn thông tin mạng, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên mạng xã hội và trang thông tin điện tử gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác.
Toàn cảnh hội nghị điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên chất vấn. Tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, các lãnh đạo Trung ương cơ quan liên quan. Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan, Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu.

Trong buổi chất vấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhận được 13 câu hỏi chất vấn trực tiếp về quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực ngành, tập trung vào các vấn đề “nóng” : Việc xử lý hành vi đăng tải những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử, truyền hình, báo chí...gây ảnh hưởng xấu tới uy tín, hình ảnh và gây thiệt hại về kinh tế của cá nhân tổ chức khác? Tin nhắn rác đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, Bộ cần có giải pháp gì để xử lý mạnh tay hơn? Hiện nay một số Gameshow (chương trình truyền hình thực tế) có nội dung đôi lúc phản cảm, không lành mạnh, không có tính giáo dục, có chiêu trò giật gân câu khách, Bộ đưa ra hướng xử lý như thế nào? Vấn đề an toàn an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay ? Quản lý bán hàng Online như thế nào ?

Trọng tâm về các vấn đề trên, Bộ trưởng cho rằng Mạng xã hội giúp người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin hiệu quả không phân biệt không gian thời gian. Vì những đặc tính siêu việt này nên mạng xã hội có vai trò quan trọng với xã hội, nhiều nước coi đây là quyền lực thông tin mới. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người lạm dụng MXH để chửi bới, xúc phạm, bôi xấu, vu khống nhau đặc biệt trên  những mạng xã hội nước ngoài, cung cấp thông tin xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook....điều này là khó chấp nhận được và Bộ đã xây dựng hành lang pháp lý để xử phạt những hiện tượng trên.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết khi báo chí chính thống không đầy đủ và chậm, người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội. Luật pháp của Việt Nam có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm. Tính từ đầu 2017 tới ngày 12/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 10 trường hợp vi phạm.

Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, trước đây việc yêu cầu Google, YouTube, Facebook gỡ bỏ các thông tin xấu khó khăn, nhưng gần đây thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 Quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đã tạo hành lang pháp lý để xử lý vi phạm trên các trang mạng xã hội này. Tuy nhiên việc yêu cầu trang mạng như Google gỡ bỏ Clip nói xấu, bôi nhọ danh dự người khác là “không xuể” vì Google cho biết họ cũng chưa kiểm soát được Clip đăng trên mạng vì mỗi phút có hàng trăm lượt Clip được tải lên.

Thời gian qua Bộ TT&TT đã yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.000 Clip xấu độc trên kênh Youtube. Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Facebook gỡ bỏ những trang giả mạo; bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế để quản lý chặt chẽ vấn đề này.

Về nội dung các Gameshow, Bộ trưởng cho biết: Vừa qua nhiều chương trình đã đưa tin không chính xác, thậm chí ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp như: Phóng sự "Dùng chổi quét rau"; "Nước mắm nhiễm Asen"... Một số chương trình Game show... của VTV, HTV đã dàn dựng chi tiết không đúng sự thật, hình ảnh phản cảm. Bộ đã có những hình thức nhắc nhở, xử phạt nghiêm khắc. Để tránh những sai sót như trên trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác hậu kiểm; xử lý nghiêm sai phạm. Thậm chí, Bộ có thể áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của cơ quan báo chí sai phạm...

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo đánh giá của hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật Kaspersky, Việt Nam là một trong những nước nằm trong top đầu về mất an toàn thông tin. Việt Nam đứng số một thế giới về việc lây nhiễm các phần mềm độc hại, thứ 10 thế giới về lây nhiễm qua các hành thức trực tuyến. Tỷ lệ thư rác ở VN luôn luôn đứng trong top 3 về tổng số lượng. Trong thời đại công nghệ thông tin, lỗ hổng về an ninh mạng sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ như an ninh, quốc phòng. Vì vậy, chúng ta phải chủ động cung cấp thông tin chính thức trước thông tin đại chúng, để tránh thông tin nội dung xấu, độc hại, xuyên tạc trên mạng xã hội.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh UBTVQH ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đề nghị thời gian tới cần tập trung rà soát lại và hoàn thiện hành lang pháp lý, quy chuẩn, chế tài về an toàn thông tin; xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức đưa thông tin xuyên tạc, phản cảm; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong sử dụng mạng xã hội và nâng cao chất lượng kiểm duyệt nội dung gameshow, quảng cáo trên truyền hình./.