DetailController

Tin từ các đơn vị

Bố trí nguồn lực nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh

11/06/2021 00:00
Thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện chính sách, góp phần hỗ trợ người nông dân có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi và phát triển chăn nuôi lên quy mô lớn.
Chính sách chăn nuôi nông hộ hỗ trợ người nông dân tái đàn, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường

Quyết định số 50/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ về một số chính sách hỗ trợ chăn nuôi về phối giống nhân tạo gia súc, con giống vật nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 30/2016 quy định về một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2114/QĐ-UBND ngày 11/9/2018 về việc bổ sung nguồn kinh phí cho các huyện, thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đồng thời chỉ đạo Sở NN&PTNT hướng dẫn triển khai chính sách, tổng hợp dự toán nhu cầu kinh phí theo quy định về một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trình UBND tỉnh xem xét, đề xuất hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương để triển khai thực hiện.

Kết quả, trong giai đoạn qua, năm 2018 tỉnh Hòa bình đã được Trung ương hỗ trợ 15 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Tới nay, tổng kinh phí đã thực hiện hỗ trợ là 3.330.000.000 đồng. Trong đó: Huyện Lạc Thủy đã thực hiện hỗ trợ công trình khí sinh học (bể Bioga và đệm lót sinh học), tổng số  hỗ trợ 1.395.000.000 đồng nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ (50%), chưa có nguồn kinh phí đối ứng của địa phương; Huyện Tân Lạc đã hỗ trợ được 90 công trình khí sinh học (bể Bioga), tổng số tiền hỗ trợ 225.000.000 đồng (25%) từ nguồn kinh phí Trung ương, chưa có nguồn kinh phí đối ứng của địa phương; Thành phố Hòa Bình đã hỗ trợ công trình khí sinh học (bể Bioga) và hỗ trợ mua con giống, tổng số tiền hỗ trợ 290.000.000 đồng (50%) từ nguồn kinh phí Trung ương, chưa có nguồn kinh phí đối ứng của địa phương; Huyện Mai Châu hỗ trợ mua con giống, tổng số tiền hỗ trợ 650.000.000 đồng (50%) từ nguồn kinh phí Trung ương, chưa có nguồn kinh phí đối ứng của địa phương; Huyện Yên Thủy hỗ trợ công trình khí sinh học (bể Bioga), tổng số tiền hỗ trợ 770.000.000 đồng (50%) từ nguồn kinh phí Trung ương, chưa có nguồn kinh phí đối ứng của địa phương; Huyện Đà Bắc đã thực hiện hỗ trợ tại một số xã.

Còn 04 huyện chưa triển khai thực hiện hỗ trợ: Cao Phong, Kim Bôi, Lương Sơn và Lạc Sơn, vì không bố trí được nguồn kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện.

Chính sách trên góp phần đáng kể vào việc phát triển vật nuôi bản địa trong chăn nuôi nông hộ, phát triển chăn nuôi công nghiệp trong các cơ sở chăn nuôi lớn. Tới nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 115,7 nghìn con trâu, đàn bò 85,7 nghìn con; lợn 458,8 nghìn con; dê 51,7 nghìn con; 7,89 triệu con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: Trâu: 1.942 tấn, bằng 102% so với cùng kỳ; Bò: 1.582 tấn, bằng 102% so với cùng kỳ; Lợn: 31.368 tấn, bằng 103,35% so với cùng kỳ; Gia cầm: 12.420 tấn, bằng 105% so với cùng kỳ; Trứng: 55 triệu quả, bằng 104,9% so với cùng kỳ; Dê: 151 tấn bằng 101,3% so với cùng kỳ. 

Khó khăn hiện nay, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, chưa cân đối được nguồn kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015-2020 theo quy định. Do đó một số địa phương chưa thực hiện giải ngân được, một số địa phương đã thực hiện hỗ trợ nhưng thiếu nguồn kinh phí đối ứng nên thực hiện chưa đúng theo quy định của Bộ Tài Chính.

Từ thực tế đó, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong nông hộ phù hợp với "Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045". Có cơ chế chính sách hỗ trợ riêng cho các tỉnh chưa cân đối được nguồn ngân sách đối ứng để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong nông hộ cho phù hợp./.