1. Nội dung kiến nghị: đề nghị quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn kết nối kỹ thuật giữa các hệ thống thông tin, chia sẻ cơ sở dữ liệu với các địa phương theo yêu cầu của Chính phủ số để thuận tiện trong việc liên thông, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và liên thông thủ tục hành chính.
Trả lời:
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) trả lời tại Văn bản số 3361/BTTTT-VP ngày 16/8/2024
Việc triển khai kết nối giữa các hệ thống thông tin được triển khai theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử được thực hiện như sau: Các hệ thống thông tin kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương (LGSP) kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Vì vậy, hướng dẫn kết nối kỹ thuật cũng được chia làm hai loại:
- Hướng dẫn kết nối, tích hợp nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đối với kết nối này Bộ TTTT đã có văn bản số 677/BTTTT-THH ngày 03/3/2022 về hướng dẫn kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hiện nay các nền tảng LGSP của địa phương đã kết nối đầy đủ, thông suốt với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
- Hướng dẫn kết nối, khai thác, sử dụng dịch vụ giữa các hệ thống thông tin với nhau để đảm bảo các hệ thống có thể tích hợp và xử lý được dữ liệu. Đối với kết nối này, các bộ, ngành, địa phương có dữ liệu chia sẻ có trách nhiệm xây dựng tài liệu mô tả dữ liệu, dịch vụ do mình chia sẻ ra bên ngoài và mỗi hướng dẫn gắn với các dịch vụ dữ liệu cụ thể.
Hiện nay, các dịch vụ, dự liệu đã được chia sẻ qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được Bộ TTTT tổng hợp và cung cấp đầy đủ cho các bộ, ngành, địa phương tra cứu và khai thác. Để mở rộng việc kết nối, cung cấp các dịch vụ dữ liệu, Bộ TTTT liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện và cung cấp các dịch vụ chia sẻ dữ liệu để cung cấp ra bên ngoài. Tính đến ngày 01/8/2024 , nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối được 29 hệ thống nền tảng, kết nối 95 đầu mối các cơ quan, đơn vị. Tổng giao dịch trong năm 2024 đến thời điểm hiện tại là 533 triệu (bằng 85% tổng số giao dịch năm 2023); lỹ kế là 2,3 tỷ giao dịch. Các dịch vụ chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi kết nối trong thời gian tới. Để thúc đẩy việc kết nối và chia sẻ dữ liệu, trong thời gian tới Bộ TTTT tiếp tục thực hiện các giải pháp: (1) Đề nghị các bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung trong phạm vi quản lý của mình theo quy định của pháp luật. Có như thế chúng ta mới biết được đầy đủ các bộ, ngành, địa phương đã và có chủ trương xây dựng dữ liệu gì để điều chỉnh. Hiện nay chỉ còn rất ít bộ, ngành, địa phương chưa ban hành. Bộ TTTT sẽ đốc thú để hoàn tất việc này. (2) Đề nghị các bộ, ngành ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, về cấu trúc dữ liệu để đảm bảo dữ liệu xây dựng có chất lượng, dùng được cho nhiều mục đích khác nhau, có khả năng chia sẻ. Hiện nay chỉ mới có khoảng 2% dữ liệu chuyên ngành có tiêu chuẩn, cần phải tiếp tục xây dựng và ban hành để dữ liệu đảm bảo chất lượng và phục vụ đa mục đích. (3) Đề nghị các bộ, ngành, địa phương mở cơ sở dữ liệu của mình và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; công khai các dịch vụ dữ liệu cho các cơ quan khác sử dụng. (4) Đề nghị bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị dữ liệu đã được pháp luật quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng dữ liệu, tăng cường chia sẻ và giải quyết được những vướng mắc hiện nay.
2. Nội dung kiến nghị: đề nghị hỗ trợ xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; ưu tiên việc triển khai tại các khu công nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện.
Trả lời:
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) trả lời tại Văn bản số 3624/BTTTT-VP ngày 30/8/2024.
Về việc phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao: Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 816/QĐ-BTTTT ngày 18/5/2024 về kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông giai đoạn 2024-2025 trong đó đặt mục tiêu 100% thôn bản lõm sóng đã có điện sẽ được phủ sóng băng rộng di động 4G và 100% hộ gia đình có cáp quang khi có nhu cầu.
Để nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động của Việt Nam, căn cứ Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 1110/QĐ-BTTTT ngày 02/7/2024 về kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, đã đưa ra các chỉ tiêu cần đạt về nâng cao chất lượng mạng 4G/5G cũng như các giải pháp để triển khai thực hiện đặc biệt là ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu công nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện trong đó có tỉnh Hoà Bình nói riêng và cả nước nói chung. Đề nghị UBND tỉnh Hoà Bình quan tâm, chỉ đạo các cơ quan có liên quan của tỉnh phối hợp, hỗ tr, tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng theo đúng yêu cầu của Bộ TTTT tại các quyết định nói trên./.