DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

27/09/2022 00:00
Cử tri kiến nghị: “Cử tri tiếp tục đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành. Trong đó, đề nghị chuyển Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cho UBND cấp huyện quản lý; phân cấp đối với việc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi người dân thực hiện các quyền của người sử dụng đất cho cấp huyện để chủ động hơn trong khâu giải quyết thủ tục hành chính và giảm tải cho cấp tỉnh; đơn giản hóa trong thủ tục chuyển nhượng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án, thu hút đầ u tư, theo đó đề nghị quy định chỉ cần xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, có hồ sơ xác nhận của chính quyền địa phương, nếu đủ điều kiện thì cho thực hiện thủ tục chuyển nhượng”.

Trả lời:

Tại Văn bản số 49903/BTNMT-PC ngày 25/8/2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Về vấn đề chuyển Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và môi trường cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý: thực hiện pháp luật về đất đai năm 2013, hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai đã được thành lập và hoạt động theo mô hình một cấp, trong đó Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai đã thể hiện rõ hơn tính ưu việt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như:

- Bộ máy tổ chức được sắp xếp theo các nhóm chuyên môn và theo từng vị trí công việc chuyên sâu; đội ngũ cán bộ trong hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai được điều động, sử dụng linh hoạt giữa các địa bàn để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn cán bộ hiện có.

- Quy trình giải quyết công việc được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã thực hiện gần với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng; chất lượng thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, toàn thành phố do Văn phòng đăng ký đất đai thường xuyên kiểm tra, quản lý hướng dẫn các chi nhánh thực hiện nhiệm vụ, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận cơ bản đúng quy định; số hồ sơ lưu đã giảm (trước đây 03 bộ hồ sơ thì hiện nay là 01 bộ hồ sơ) do các địa phương đã thực hiện thủ tục liên thông đăng ký đất đai với cơ quan thuế và kho bạc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận giảm thời gian thực hiện 05-25 ngày so với trước đây; giảm 21 thủ tục hành chính (từ 62 thủ tục xuống còn 41 thủ tục).

Hoạt động đăng ký đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, bảo đảm việc triển khai thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận của địa phương theo đúng kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, theo nhiệm vụ chính trị của địa phương; các Văn phòng đăng ký đất đai đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn về thẩm quyền và quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; hồ sơ được chuẩn hoá, lưu trữ, xây dựng thành cơ sở dữ liệu nên đã đảm bảo thuận lợi trong quá trình thẩm định khi người sử dụng thực hiện các quyền; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được đẩy mạnh đã tạo nhiều cơ hội hơn cho người dân lựa chọn nơi đăng ký, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ quan đăng ký, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hiện nay.

Việc thành lập và hoạt động Văn phòng đăng ký đất đai phù hợp xu hướng theo ngành dọc của các nước tiên tiến, giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá ngành quản đất đai, thúc đẩy thực hiện cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, tiến tới Chính phủ điện tử. Đến nay 100% các Văn phòng đăng ký đất đai đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Băn khoăn của tri về những tồn tại, hạn chế "do cơ chế hoạt động, phân cấp quản lý, sự can thiệp hỗ trợ của huyện còn nhiều giới hạn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, làm ảnh hưởng phần nào đến kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn huyện" đã được nhiều địa phương giải quyết bằng việc ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (theo tổng hợp báo cáo về tình hình hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai thì đã có trên 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.

Với những ưu điểm nêu trên của Hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai cùng những giải pháp giải quyết đã có để giải quyết vấn đề cử tri băn khoăn thì không nên thay đổi cơ chế quản đối với các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo hướng giao Uỷ ban nhân cấp huyện quản lý.

Về các vấn đề khác cử tri nêu: thực hiện Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV trên cơ sở bám sát, thể chế hóa nội dung tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đối với các nội dung cử tri kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu, xem xét để bổ sung quy định cho phù hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.