Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngày 16/5/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua Quy định chống phá rừng (EUDR), đây là quy định mới nhất của EU liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững, trong đó quy định cụ thể về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng. Theo đó, EUDR cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái đất rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ; các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sôcôla, giấy in, đồ nội thất, than củi... Trong đó, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bới quy định này. Thời hạn hiệu lực của EUDR là tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ).
Để thích ứng với quy định này, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu các ngành hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung, ngay khi EC thông qua EUDR, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham gia nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu ở cả cấp kỹ thuật và cấp lãnh đạo EC cũng như nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, trong đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và phân công các cơ quan chuyên môn của Bộ triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thống nhất về chủ trương, cách tiếp cận và phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai kế hoạch hành động thích ứng với EUDR; các giải pháp kỹ thuật thích ứng với EUDR như: giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, đặc biệt là cà phê; tăng cường tuần tra, giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của EU trong thời gian qua, đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng phát triển "minh bạch, có trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh". Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế xây dựng, công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên, rừng trồng. Rà soát, thống nhất bản đồ thực địa; chia sẻ cập nhật và số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng và điều tra bổ sung đối với các vườn chưa có trên bản đồ. Dựa trên dữ liệu về rừng, vùng trồng phân định các vùng có nguy cơ phá rừng, từ đó xác định các giải pháp phù hợp trong giám sát, bảo vệ, khôi phục rừng. Tuyên truyền phổ biến quy định EUDR, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng. Xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng có gắn với định vị của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR. Thành lập hoặc kiện toàn nhóm công tác công tư cấp tỉnh, triển khai các hoạt động hợp tác công tư./.