Nội dung 1: Cử tri đề nghị quan tâm, nghiên cứu bổ sung thêm chức danh Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã hoạt động chuyên trách để làm tốt công tác quản lý đảng viên, nhất là đối với các xã sau sáp nhập đơn vị hành chính có số lượng đảng viên lớn.
Nội dung 2: Mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã hiện hưởng là 1,2 - 1,3; trong khi đó, đối với các xã loại I và xã về đích nông thôn mới thì ngân sách không hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách hỗ trợ để các đối tượng này cơ bản đảm bảo đời sống và yên tâm công tác.
Nội dung 3: Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 1, số lượng cán bộ, công chức dôi dư còn nhiều, do vậy để tiếp tục thực hiện việc bố trí, sắp xếp cán bộ, cử tri đề nghị chưa triển khai thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2 đối với các địa phương còn có số lượng cán bộ, công chức dôi dư nhiều.
Nội dung 4: Cử tri tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ sớm nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019. Trong đó, đề nghị tăng hệ số phụ cấp đối với cán bộ hoạt động không chuyên trách như Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, phố, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư…. để đảm bảo tương xứng với khối lượng công việc, địa bàn quản lý, nhất là sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.
Nội dung 5: Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp theo quy mô dân số và tăng thêm biên chế đối với các xã thuộc diện sáp nhập. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ thì đối với xã loại I được bố trí tối đa 23 người, xã loại II tối đa 21 người, xã loại III tối đa 19 người. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về việc chính quy lực lượng công an xã vì vậy mỗi xã phải bố trí 01 chức danh Trưởng công an xã trong tổng biên chế công chức của xã, do vậy số lượng công chức cấp xã càng khó khăn hơn.
Nội dung 6: Việc thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 và Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 12/01/2021 của Chính phủ còn nảy sinh bất cập trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ. Cụ thể: đối với cán bộ thuộc diện xã đặc biệt khó khăn sau khi sáp nhập vẫn được hưởng các chính sách ưu đãi, trong khi các xã đã về đích nông thôn mới thì thôi hưởng các chính sách ưu đãi. Như vậy, nếu sáp nhập một xã đặc biệt khó khăn với một xã đã về đích nông thôn mới thì cán bộ công chức công tác trong cùng một đơn vị nhưng chế độ chính sách lại có sự khác nhau, gây ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng của cán bộ công chức. Đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp hơn để cán bộ công tác cùng một đơn vị sẽ được thụ hưởng chính sách như nhau, tránh tâm lý so bì.
Trả lời:
Tại Văn bản số 4164/BNV-CQĐP ngày 27/8/2022 của Bộ Nội vụ trả lời như sau:
1. Nội dung 1: Về bổ sung chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã.
Chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã đã được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Đồng thời, theo quy định tại điểm 17.1 Khoản 17 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng đã quy định tổ chức cơ sở đảng không thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc, Cấp ủy phân công cấp ủy viên phụ trách các mặt công tác văn phòng, tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra; các thành viên đều kiêm nhiệm. Theo đó, việc bổ sung chức danh Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã là cán bộ, công chức cấp xã như kiến nghị của cử tri phải trên cơ sở sửa đổi Hướng dẫn này và Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Bộ Nội vụ ghi nhận kiến nghị của cử tri để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền khi Ban Bí thư có chủ trương sửa đổi Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 và Quốc hội có chủ trương sửa đổi Luật Cán bộ, công chức.
2. Nội dung 2: Về hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế và chính sách bảo hiểm y té đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
- Về việc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Theo phân công của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc có nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã (khu vực I, II và III) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để làm căn cứ thực hiện các chính sách an sinh xã hội (trong đó có chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế) trên địa bàn. Theo đó, đề nghị cử tri phản ánh kiến nghị này đến Ủy ban Dân tộc để trả lời theo thẩm quyền.
- Về chính sách bảo hiểm y tế đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: Theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó Ủy ban nhân dân cấp xã đóng 3%, người hoạt động không chuyên trách đóng 1,5%.
3. Nội dung 3: Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới
Trên cơ sở kết quả tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và căn cứ chủ trương tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng “Đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp”, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và cử tri (trong đó có cử tri tỉnh Hòa Bình) để xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
4. Nội dung 4 và nội dung 5: Về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2019/NĐ-CP
Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và cử tri (trong đó có cử tri tỉnh Hòa Bình) để trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện thể chế về số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp. Trong thời gian chưa sửa đổi các quy định nêu trên, đề nghị tỉnh Hòa Bình thực hiện số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
5. Nội dung 6: Về việc thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 và Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 12/01/2021 của Chính phủ
Việc thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ và Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 12/01/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 8 Mục III Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 ban hành kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ đến nay đã hết thời gian thực hiện. Cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết số 04/NQ-CP đã quy định: “Các chính sách quy định tại Điều 1 Nghị quyết này thực hiện kể từ thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021. Riêng các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện đến hết năm 2020; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thực hiện đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025, nhưng tối đa đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021”. Theo đó, Bộ Nội vụ ghi nhận kiến nghị nêu trên của cử tri tỉnh Hòa Bình để tổng hợp, xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 cho phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu của thực tiễn.
2. Cử tri kiến nghị: “ Đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách nâng lương theo lộ trình để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cán bộ, công chức và những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước”.
Trả lời:
Tại Văn bản số 3719/BNV-TL ngày 05/8/2022 của Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Chế độ tiền lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện từ tháng 10 năm 2004 đến nay đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Để khắc phục những hạn chế, bất cập này, tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27 NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó đã phân công nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng cụ thể các nội dung của chế độ tiền lương mới để thực hiện từ năm 2021 theo lộ trình ghi tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khoá XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp. Theo đó, trong các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước từ năm 2020 đến năm 2022 (Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 và Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021) thì trong năm 2020, năm 2021 và năm 2022 chưa bố trí kinh phí để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở (chỉ ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995).
Trong thời gian từ nay đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; đồng thời căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo trình Chính phủ để báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương./.