DetailController

Thời sự trong ngày

Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị cử tri sau Kỳ họp thứ hai và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất

21/04/2022 00:00
Sau Kỳ họp thứ hai và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị của cử tri như sau:

1. Cử tri kiến nghị: Đề nghị sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Điều 10 - Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:"cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm gồm 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm". Trên thực tế, hiện nay các đơn vị xã, phường không thực hiện được việc giảm 01 biên chế theo quy định. Cử tri kiến nghị không giảm 01 biên chế mà Bí thư cấp ủy vẫn được hưởng 50% phụ cấp kiêm nhiệm”.

Trả lời

Tại Văn bản số 920/BNV-CQĐP ngày 11/3/2022 Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Trong đó quy định rõ việc kiêm nhiệm chức danh đối với cán bộ, công chức cấp xã mà giảm được 01 người trong số lượng tối đa thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm (tăng mức phụ cấp kiêm nhiệm từ 20% lên 50% so với trước đây) là để khuyến khích việc kiêm nhiệm, góp phần tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Trong quá trình thực hiện các quy định về số lượng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương và cử tri (trong đó có kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình) để trình cấp có thẩm quyền xem xét việc tiếp tục hoàn thiện quy định về số lượng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp. Khi cấp có thẩm quyền chưa sửa đổi các quy định nêu trên, đề nghị tỉnh Hòa Bình thực hiện số lượng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Cử tri kiến nghị:Đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, rà soát trình Chính phủ xem xét bãi bỏ những loại chứng chỉ không cần thiết đối với cán bộ, công chức và đội ngũ giáo viên mà hiện nay đang yêu cầu bắt buộc”.

Trả lời:

Tại Văn bản số 12/BNV-CCVC ngày 04/01/2021 Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 3845/VPCP-TCCV ngày 10/6/2021 của Văn phòng Chính phủ) về việc rà soát, cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2021/TT-BNV, kết quả như sau:

1. Về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức: Quy định công chức giữ các ngạch chuyên ngành tương đương học cùng 01 chương trình. Theo đó đã cắt giảm được 61/64 chương trình hiện có.

2. Về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức: Quy định viên chức mỗi chuyên ngành chỉ học 01 chương trình bởi dưỡng (không chia theo hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây). Theo đó đã cắt giảm được 89/145 chương trình hiện có. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép sử dụng chứng chỉ hành nghề thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng

3. Về chứng chỉ bồi dưỡng theo chức vụ lãnh đạo, quản lý: Chuyển từ chương trình bắt buộc trước khi bổ nhiệm sang chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm (bổ nhiệm vào vị trí rồi mới phải đi học). Theo đó đã cắt giảm yêu cầu về loại chứng chỉ này trong hồ sơ bổ nhiệm và phù hợp chủ trương bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.

4. Về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học: Yêu cầu các Bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành sửa đổi Thông tư về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, sẽ bỏ toàn bộ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ (74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề có nghiệp viên chức); chứng chỉ tin học (74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức).

5. Tại Nghị định số 89/202!/NĐ-CP đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm tham gia các chương trình bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức để cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức chủ động thực hiện. Cụ thể là:

- Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

- Công chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức trước khi bổ nhiệm ngạch (chương trình này là bắt buộc trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức). - Viện chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp (chương trình này là bắt buộc, nhưng chỉ phải học 01 lần khi tuyển dụng viên chức, không yêu cầu phải học để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp).

Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức và theo nhu cầu bản thân, thời gian thực hiện tối thiểu 1 tuần (40 tiết)/năm, tối đa 4 tuần (160 tiết)/năm (chương trình này là không bắt buộc khi tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng. Cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn chương trình theo nhu cầu bổ sung các kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm)./.