Trả lời:
Tại Văn bản số 2959/LĐTBXH-VP ngày 05 tháng 8 năm 2022 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời như sau:
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến, hy sinh của đối tượng và cân đối trong mặt bằng chính sách nói chung. Từ năm 2013, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, tiếp theo đến Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm hoặc hai năm một lần. Trong quá trình thực hiện, những năm qua đều triển khai đúng quy định tại các Nghị định nêu trên, cụ thể:
Đối tượng diều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con duy nhất là liệt sĩ hoặc có hai con liệt sĩ trở lên; Bà mẹ Việt nam anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Đối tượng điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần: Cha đẻ, mẹ đẻ (không thuộc đối tượng điều dưỡng hằng năm), người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến. Quy định như trên là phù hợp so với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay và cân đối một tổng thể chính sách người có công với cách mạng.
Trên đây là trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình để trả lời kiến nghị của cử tri.
2. Cử tri kiến nghị: “Luật Người cao tuổi được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII. Đến nay, một số điểm đã không còn phù hợp, đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật và phù hợp với giai đoạn hiện nay” (sau Kỳ họp thứ 3).
Trả lời:
Tại Văn bản số 3767/LĐTBXH-VP ngày 27 tháng 9 năm 2022 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời như sau:
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Người cao tuổi và trình Chính phủ, Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi trong thời gian tới./.