1. Nội dung kiến nghị: theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP một số đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội.Đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu bổ sung mở rộng đối tượng người khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần nặng, đặc biệt nặng đang sống có người thân chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Do các đối tượng này tiềm ẩn nguy cơ cao gây nguy hiểm cho người thân và xã hội (Trước kỳ họp thứ 7).
Trả lời:
Bộ LĐTBXH trả lời tại Văn bản số 3697/BLĐTBXH-VP ngày 12/8/2024
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trường hợp điều kinh tế - xã hội địa phương đảm bảo, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội (bao gồm chăn sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội). Do vậy, đây là thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định đối tượng là người khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần nặng, đặc biệt nặng đang số có người thân chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng có haonf cảnh khó khăn được hưởng chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc phạm vi quản lý.
2. Nội dung kiến nghị: đề nghị quan tâm xem xét đánh giá tác động của việc quy định áp dụng chế độ nghỉ khám thai, đình kỳ thai nghén, nghỉ thực hiện tránh thai cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện tương tự như BHXH bắt buộc để phù hợp với nguyên tắc của BHXH cũng như đạt mục tiêu thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện. TạiDự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con là mức trợ cấp quá thấp, chưa thực sự phù hợp với việc bảo đảm nhu cầu của phụ nữ và trẻ em. Các quy định của chế độ trợ cấp thai sản mới chỉ chú trọng vào lợi ích vật chất mà người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng, chưa chú trọng đến những quyền lợi như được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức…. Việc quy định chỉ cho 5 lần khám thai được hưởng chế độ BHXH như dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện nay là chưa phù hợp với thực tế.
Trả lời:
Bộ LĐTBXH trả lời tại Văn bản số 3671/BLĐTBXH-VP ngày 09/8/2024
(1) Về kiến nghị bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện và mức trợ cấp thai sản: Ngày 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện do ngân sách nhà nước bảo đảm, người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với hiện hành (khoản 3 Điều 4 và Mục 1 Chương VI Luật BHXH năm 2024). Như vậy, kiến nghị cửa cử tri đã được quy định trong Luật BHXH năm 2024. Bên cạnh đó Luật BHXH năm 2024 cũng giao Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ (Điều 95 Luật BHXH năm 2024). Khác với BHXH bắt buộc, chế độ thai sản đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện hoàn toàn do ngân sách nhà nước bảo đảm. Như vậy, khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và khả năng của ngân sách nhà nước cho phép, Chính phủ sẽ xem xét, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thai sản nhằm đảm bảo tốt hơn quyền thụ hưởng của người lao động. (2) Về kiến nghị tăng số lần nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai của lao động nữ: Theo tài liệu “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản” ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, mỗi phụ nữ mang thai phải được quản lý thai và khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ. Pháp luật về BHXH không quy định về thời gian, số lần đi khám thai của người lao động mà chỉ quy định số lần, thời gian lao động nữ nghỉ việc khi đi khám thai được hưởng chế độ thai sản do quỹ BHXH chi trả. Luật BHXH năm 2024 kế thừa quy định về số lần lao động nữ nghỉ việc khi đi khám thai được giải quyết hưởng chế độ thai sản và điều chỉnh tăng thời gian tối đa hưởng chế độ thai sản của mỗi lần lao động nữ nghỉ việc đi khám thai là 02 ngày để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của lao động nữ mang thai (Điều 51 Luật BHXH năm 2024).
3. Nội dung kiến nghị: đề nghị nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ quan tâm xem xét xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Trả lời:
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trả lời tại Văn bản số 2926/BLĐTBXH-VP ngày 05/7/2024.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ LĐTBXH đang phối hợp với Bộ Công an v, các bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết 02 năm thực hiện Luật phòng chống ma tuý năm 2021, các văn bản quy định chi tiết liên quan đến công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý; qua đánh giá sẽ tổng hợp những khó khăn vướng mắc để kiến nghị, đề xuất sửa đổi bổ sung các văn bản liên quan.
4. Nội dung kiến nghị: (1) Đề nghị nghiên cứu ban hành quy định bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm và phòng chống ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng trong hoạt động mại dâm và sử dụng ma túy. (2) Đề nghị quan tâm, nghiên cứu xây dựng chính sách cho các thành viên của đội kiểm tra liên ngành theo Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 được hưởng phụ cấp hoặc thù lao khi thực hiện nhiệm vụ của đội.
Trả lời:
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời tại Văn bản số 2926/BLĐTBXH-VP ngày 05/7/2024.
Pháp lệnh phòng chống mại dâm có hiệu lực từ tháng 7 năm 2023. Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh Phòng chống mại dâm và Chương trình phòng chống mại dâm các giai đoạn 05 năm đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành ban hành, đảm bảo tính thống nhất, thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng. Việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng chống mại dâm thời gian qua đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng chống tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm thi hành hệ thống chính sách, pháp luật về phòng chống mại dâm đã bộc lộ những hạn chế, cần thiết được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm trong tình hình mới.
Trước thực trạng đó, năm 2023, Bộ LĐTBXH đã ban hành Kế hoạch tổng kết, đánh giá kết quả 20 năm (2003-2023) thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo tổng kết, đánh giá của các bộ, ngành và địa phương, trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
5. Nội dung kiến nghị: Đề nghị ban hành Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Trả lời:
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trả lời tại Văn bản số 2926/BLĐTBXH-VP ngày 05/7/2024.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ LĐTBXH đang xây dựng Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma tuý.
6. Nội dung kiến nghị: (1) Đề nghị tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các cán bộ làm công tác cai nghiện, cán bộ làm công tác tư vấn, giáo dục, cán bộ y tế cả trong cơ sở cai nghiện và cơ sở y tế cộng đồng. Nhằm khuyến khích cán bộ tham gia khóa đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (2) Đề nghị quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
Trả lời:
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trả lời tại Văn bản số 2926/BLĐTBXH-VP ngày 05/7/2024.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ LĐTBXH đã xây dựng và đề xuất nội dung kiến nghị trong Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý và phòng ngừa nghiện ma tuý đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma tuý” trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống ma tuý đến năm 2030, sẽ hoàn thiện trình Chính phủ, trình Quốc hội trong thời gian tới.
7. Nội dung kiến nghị: đề nghị nghiên cứu xây dựng bộ giáo trình chuẩn hướng dẫn công tác giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma tuý để thống nhất trong các cơ cở cai nghiện ma tuý.
Trả lời:
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trả lời tại Văn bản số 2926/BLĐTBXH-VP ngày 05/7/2024.
Thi hành Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, trong đó hướng dẫn chi tiết về cơ quan, tổ chức, địa điểm thực hiện “Giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách” và nguyên tắc bố trí nhân sự làm công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng ở cấp xã. Trong thời gian tới, để thực hiện thống nhất, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục hoàn thiện và ban hành bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ trong năm 2024.
8. Nội dung kiến nghị: đề nghị quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệpđể kịp thời tổ chức thực hiện chính sách khi chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Trả lời:
Bộ LĐTBXH trả lời tại Văn bản số 3602/BLĐTBXH-VP ngày 9/8/2024
Ngày 21/6/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 83-KL/TW về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng kể từ ngày 01/7/2024. Như vậy, từ ngày 01/7/2024, vẫn duy trì mức lương cơ sở , do đó, vẫn thực hiện các chế độ BHXH, BHTN hiện đang gắn với mức lương cơ sở. Để phù hợp với chủ trương bãi bỏ mức lương cơ sở theo tinh thần tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ngày 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật BHXH, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Luật BHXH năm 2024 đã quy định “mức tham chiếu” để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH, đồng thời giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến căn cứ đóng BHXH bắt buộc, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp BHXH và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc khi nhà nước áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành. Như vậy, nội dung kiến nghị của cử tri đã được nghiên cứu, xem xét và quy định trong Luật BHXH. Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng thường xuyên theo dõi sự phù hợp giữa chính sách và thực tế triển khai thực hiện để kịp thời nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung trong trường hợp có quy định mới về chính sách tiền lương.
9. Nội dung kiến nghị: đề nghị quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tham mưu xây dựng và ban hành quy định về mức lương chuyên gia nước ngoài (quốc tế) tại các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài (dự án sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài…) để các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh áp dụng.
Trả lời:
Bộ LĐTBXH trả lời tại Văn bản số 3617/BLĐTBXH-VP ngày 09/8/2024
Vấn đề kiến nghị của cử tri liên quan đến định mức lương chuyên gia tư vấn quốc tế áp dụng cho dự án sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính (trên cơ sở Báo cáo số 437/BTC-QLN ngày 10/4/2023 của Bộ Tài chính và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại văn bản số 1630/VPCP-QHQT ngày 18/5/2023 của Văn phòng Chính phủ).
10. Nội dung kiến nghị: đề nghị quan tâm, nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ bổ sung Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo là đối tượng được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo trong nguồn hỗ trợ vốn sự nghiệp thuộc các Chương trình MTQG để địa phương triển khai thực hiện.
Trả lời:
Bộ LĐTBXH trả lời tại Văn bản số 3595/BLĐTBXH-VP ngày 9/8/2024
Về việc bổ sung Trung tâm GDNN-GDTX là đối tượng thụ hưởng việc hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đề nghị địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp; Quyết định số 1719/QĐ-TTg, Quyết định số 90/QĐ-TTg; Thông tư số 55/2023/TT-BTC, Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 03/2023/TT-BLĐTBXH. Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp và bảo đảm điều kiện về nguồn vốn theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Thông báo số 521/TB-VPCP ngày 14/12/2023 của Văn phòng Chính phủ.
11. Nội dung kiến nghị: theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo đối với xây mới là 40.000.000đ/hộ; sửa chữa nhà 20.000.000đ/hộ. Mức hỗ trợ này quá thấp so với chi phí để xây mới cũng như sửa chữa nhà trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, những hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng cao, vùng điều kiện khó khăn, nên chi phí vận chuyển và mua nguyên vật liệu sẽ bị đội giá cao hơn những vùng khác.Đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiên cứu tăng mức hỗ trợ phù hợp để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Trả lời:
Bộ LĐTBXH trả lời tại Văn bản số 3053/BLĐTBXH-VP ngày 12/7/2024
Định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo từ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương của CTMTQG giảm nghèo bền vững đối với nhà xây mới là 40.000.000 đồng/hộ, sửa chữa nhà là 20.000.000 đồng/hộ. Định mức nêu trên đảm bảo tương quan định mức hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội khác. Ngoài định mức hỗ trợ từ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương nêu trên còn hỗ trợ từ vốn đối ứng ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác (đóng góp của doanh nghiệp, Quỹ vì người nghèo địa phương, người dân và vay tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chất lượng nhà ở sau khi được hỗ trợ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận ý kiến của cử tri để phối hợp với Bộ Xây dựng đề xuất nâng mức hỗ trợ nhà ở trong CTMTQG giai đoạn mới đảm bảo phù hợp với thực tế./.