Năm học 2020 – 2021, toàn ngành Giáo dục đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “Đảm bảo sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết”, đồng thời thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”. Các địa phương, các cơ sở giáo dục đã điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình; điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên; nhiều cơ sở giáo dục Đại học đã tích cực tham gia cùng địa phương và cả nước trong các hoạt động phòng, chống dịch như: Cung cấp địa điểm cách ly tập trung; quyên góp ủng hộ bằng tiền và hiện vật; cử cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện vào cùng dịch; phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ ngành y tế,… Năm học qua, cũng là năm ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những “Nút thắt” tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo như: Chính sách phát triển giáo dục mầm non; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phát triển đội ngũ nhà giáo; khuyến khích phát triển trường tư thục không vì lợi nhuận, tự chủ Đại học,…
Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo an toàn và phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là trong cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; công tác triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình. Chất lượng giáo dục phổ thông mũi nhọn tiếp tục được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, kết quả thi Olympic năm 2021 có 37/37 thí sinh dự thi đều đạt giải, qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Bên cạnh đó, năm học 2020 – 2021, cả nước có trên 593 nghìn phòng học (tăng 3.504 phòng học so với năm trước), trong đó: Phòng học kiên cố chiếm 70,5%; tỷ lệ phòng/ lớp học ở cấp mầm non là 1,01%; cấp tiểu học là 0,98%; cấp THCS 0,89%; cấp THPT 0,93%; trường liên cấp là 0,95%.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ngành Giáo dục đã từng bước và quyết liệt thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”. Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới ngành Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo mối quan hệ tổng thế “lấy học sinh là trung tâm, lấy trường học làm nền tảng, lấy giáo viên làm động lực”. Đồng thời, chú trọng phát triển con người để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trước khó khăn, tác động lớn của dịch bệnh tới nhiều gia đình, Thủ tướng yêu cầu cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không thể đến trường. Những giáo viên bị ảnh hưởng do trường đóng cửa, nhất là giáo viên mầm non thuộc các trường tư thục cũng cần được quan tâm hơn nữa. Thủ tướng đề nghị, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH nghiên cứu có chính sách hỗ trợ thêm cho giáo viên và học sinh trong các trường hợp đặc thù một cách phù hợp; cần có chính sách hỗ trợ các trường bổ sung dinh dưỡng bữa ăn bán trú hoặc hỗ trợ thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để phát triển thể chất tốt hơn cho các cháu. Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiên cứu, duy trì, phát triển mô hình bán trú dân nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Về kế hoạch của năm học 2021-2022, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine, trong đó giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ Y tế quy định độ tuổi tiêm các loại vaccine để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung sớm cho những nơi thiếu vaccine cho giáo viên.
Đối với các địa phương không có dịch, cần chủ động phương án cho học sinh quay lại trường học nhưng có biện pháp kiểm tra, sàng lọc, đảm bảo môi trường và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Đối với “vùng đỏ” và “vùng vàng”, giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ GDĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm; có giải pháp để học sinh thích học môn Lịch sử, tìm hiểu truyền thống văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của cha ông ta và tăng cường việc dạy học ngoại ngữ gắn với đổi mới, sáng tạo trong cách dạy, cách học học; biến thách thức thành cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Bộ GD&ĐT cũng cần sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị./.