Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện. Theo đúng lộ trình, chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được triển khai thực hiện đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021.
Sau 01 năm thực hiện đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông, toàn ngành giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, đặc biệt đối với lớp 1; khai thác, sử dụng Sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. 100% trường tiểu học đảm bảo tỷ lệ 01 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp; 100% lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Kết quả năm học 2020 – 2021 cho thấy tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch; chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành; học sinh mạnh dạn tự, tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học cơ bản đã đọc thông viết thạo.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng còn một số số tồn tại, hạn chế, như: Việc biên soạn Sách giáo khoa theo chương trình mới còn hạn chế, đặc biệt việc lựa chọn, sử dụng Sách giáo khoa ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý không đồng đều; điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông còn khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo một số nội dung như: Đề nghị Bộ quan tâm về biên chế giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất; đề nghị Bộ sớm ban hành danh mục Sách giáo khoa để đảm bảo thời gian cho các cơ sở giáo dục nghiên cứu, đề xuất lựa chọn kịp thời; xem xét và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 tỉnh Hoà Bình để đảm bảo thời gian tập huấn và triển khai sử dụng tài liệu trước khi vào năm học 2021 – 2022; hướng dẫn định biên giáo viên dạy môn Giáo dục phổ thông mới, môn Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học,…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đổi mới chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nội dung quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây là chủ trương lớn và 1 năm qua, chúng ta đã đi đúng hướng. Chặng đường đầu tiên, những bước đi đầu tiên đã vượt qua được nhiều thách thức nhờ có sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ, hiệu quả của hệ thống chính trị, trong đó ngành GD&ĐT đã phát huy được vai trò nòng cốt. Đồng chí thống nhất triển khai chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tiếp theo. Trong đó, đề nghị tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Về phía Bộ GD&ĐT, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình, Bộ sẽ phối hợp rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện hiệu quả việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp, quy mô học sinh để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho các đối tượng được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất, toàn diện nhất./.