DetailController

Quốc phòng - An ninh

Biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

14/11/2022 00:00
Ngày làm việc thứ 20 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận ở Hội trường

Mở đầu phiên thảo luận sáng nay 14/11, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh Hòa Bình bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai trong giai đoạn hiện nay nhằm giải quyết căn cơ những vướng mắc, tồn đọng của đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai trong thời gian qua.

“Cần có tổ chức độc lập và chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất”

Theo đại biểu, việc quy định Bảng giá đất như dự thảo luật hiện nay có thể hiểu là Sở TNMT tự xây dựng hoặc đi thuê đơn vị có chức năng xây dựng Bảng giá đất và sản phẩm là bảng giá đất vẫn là của Sở TNMT. Trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong xác định bảng giá đất; tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng góp phần định giá đất cụ thể được sát, đúng. Do vậy, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm, đại biểu Ngọc đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, quy định theo hướng có tổ chức độc lập và chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất.

Góp ý đối với việc quy định về đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý sử dụng, đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định còn chung chung, chưa giải quyết được những vấn đề còn tồn tại trong quản lý và sử dụng đất của các nông lâm trường, trong đó có việc cấp GCNQSD đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán, quy định tại điểm c, khoản 3, điều 185 của dự thảo Luật.  Theo đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể trong dự thảo luật hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn quy định về người đang sử dụng đất là người nhận khoán, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý đất nông, lâm nghiệp hiện nay. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về điều kiện và cơ chế tài chính để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc nông lâm trường.

Liên quan đến quy định về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh “đây là những địa bàn có vị trí chiến lược, quan trọng về chính trị, an ninh - quốc phòng và cũng là vùng có địa chất tự nhiên phức tạp, chia cắt, độ dốc cao. Vì vậy, giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để định canh, định cư gắn liền với tạo sinh kế là rất quan trọng

Đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở gắn với tái định cư, ổn định sinh kế tại chỗ cho người dân.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho hay  “dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, quy định “Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng” và cho phép Nhà nước giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội (như du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng, trồng cây dược liệu…). Tuy nhiên, chưa đề cập đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở gắn với tái định cư, ổn định sinh kế tại chỗ cho người dân”. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung này và “có thể xem đây là một giải pháp lâu dài về đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong điều kiện diễn biến phức tạp của Biến đổi khí hậu gây mưa lũ, sạt lở đất ở miền núi ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng như hiện nay” .

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu và biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)./.