Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng trên địa bàn huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội, cách đường vành đai 3 thành phố Hà Nội 30km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 60 km và cảng Hải Phòng 150 km. Quy hoạch trên tổng diện tích 1.586 ha, xây dựng thành mô hình thành phố khoa học thông minh với đầy đủ các dịch vụ tiện ích thành các khu: Khu phần mềm, khu nghiên cứu và triển khai, khu giáo dục và đào tạo, khu trung tâm, khu hỗn hợp, khu nhà ở, khu giải trí và thể dục thể thao; nhằm mục tiêu: thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển; phát triển nhân lực công nghệ cao; thúc đẩy sản xuất và thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao; hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp. Lĩnh vực ưu tiên đầu tư: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa. Hiện nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã hoàn thành giai đoạn 1 đó là đầu tư cơ sở hạ tầng bằng vốn NSNN. Giai đoạn 2 (2015-2018) tiến hành nâng cấp và cải thiện cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 bằng nguồn vốn ODA 300 triệu đô la Mỹ của Chính phủ Nhật Bản.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là dự án trọng điểm của quốc gia, vì vậy các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Khu công nghệ cao sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất khẩu; thủ tục thuận tiện gồm dịch vụ hành chính một cửa, thủ tục hải quan điện tử, kho ngoại quan tại chỗ, thị thực nhiều lần. Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp giấy CNĐKĐT cho 84 dự án với vốn đăng ký 75 nghìn tỷ đồng, diện tích lấp đầy 370 ha. Trong đó có Công ty Hanwha Aero Engines, vốn đầu tư 200 triệu đô la Mỹ, diện tích 9,67 ha; Tập đoàn NIDEC, Nhật Bản, diện tích 10,5 ha, vốn đầu tư 400 triệu đô la Mỹ…
Đồng chí Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết Khu được kỳ vọng trở thành hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt Nam trong tương lai. Đây là môi trường lý tưởng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên giao trong nước và quốc tế đến sinh sống, làm việc và phát triển, nâng cao năng lực nội sinh về KHCN; là đầu mối kết nối và thúc đẩy sự hợp tác giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt và cũng là nơi để kết nối và giao thương giữa Việt Nam với khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, Trưởng Ban quản lý nhấn mạnh, những lợi thế khi đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: có vị trí chiến lược, thủ tục hành chính một cửa, cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.
Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao nội dung trao đổi giữa hai bên cũng như những tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tỉnh Hòa Bình. Đồng thời hi vọng nhân chuyến làm việc sẽ được thăm quan, khảo sát tìm hiểu về Khu, trên cơ sở đó nghiên cứu để có liên kết, phối hợp giữa Ban Quản lý với địa phương, ký kết hợp tác giữa Bộ KH&CN với tỉnh Hòa Bình nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, được áp dụng, thử nghiệm các công nghệ mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Tiếp đó, đoàn công tác đi thăm quan 02 Dự án tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đó là: Công ty Hanwha Aero Engines chuyên cung cấp phụ tùng và vỏ động cơ hàng không; Công ty FPT hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ, giáo dục. Tại đây, Công ty FPT đề xuất hợp tác với tỉnh Hòa Bình: xây dựng hệ thống chính quyền điện tử từng bước hiện đại hóa tập trung; triển khai hệ thống y tế thông minh theo chuẩn thông tư 54 của Bộ Y tế và hạ tầng tập trung, ứng dụng thuê giải pháp ngành y tế; hoàn thiện triển khai bệnh án điện tử (EMR); thí điểm cho thuê dịch vụ công, trung tâm điều hành tập trung.