Thực hiện Chương trình hành động số 17-Ctr/TU ngày 31/1/2013 của Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 20 của BCH TƯ Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, Sở KH&CN đã triển khai đồng bộ hai chương trình phát triển KH&CN. Trong đó đã mạnh mẽ đổi mới tư duy, cơ chế quản lý tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động, góp phần đưa ứng dụng và phát triển KH&CN trở thành một nội dung quan trọng gắn với phát triển KT-XH địa phương. Đặc biệt trong những năm gần đây tỉnh đã đưa ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục...tạo ra những bước tiến nổi bật như: Góp phần tạo ra vùng cam Cao Phong trên 2.000 hécta, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thế mạnh như rau su su, quả lặc lày, bưởi da xanh, bưởi đỏ, nhãn; nhân giống các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá bỗng, cá trắm đen, cá tầm, cá lăng trên vùng hồ Hòa Bình...Ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN vào cuộc sống như: Xây dựng mô hình sản xuất gạch không nung cốt liệu chất lượng cao từ nguyên liệu sẵn có thay thế gạch nung truyền thống tại thành phố Hòa Bình; ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt, phát triển nghề nuôi ong mật theo hướng sản xuất hàng hóa...
Kết quả công tác năm 2016, Sở đã tổ chức kiểm tra nghiệm thu kết thúc 19 đề tài, dự án. Trong đó 18 đề tài đạt loại khá, 1 đề tài đạt loại xuất sắc. Đã xây dựng thành công và tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm nhãn Sơn Thủy- Kim Bôi và Su su Tân Lạc. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Sở KH&CN tiếp tục triển khai có hiệu quả dự án KH&CN thuộc chương trình nông thôn miền núi và các Dự án thuộc Chương trình Tây Bắc; kế hoạch thay thế giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô cho giống mía tím hiện nay; kế hoạch áp dụng Bộ chữ Mường vào cuộc sống. Phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng và phấn đấu xây dựng thêm các sản phẩm đặc sản khác.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo làm rõ hơn thực trạng đầu tư cho hoạt động KH&CN. Nhấn mạnh vai trò, đóng góp của KH&CN đối với thực tiễn phát triển tại địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi tỉnh Hòa Bình trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất một số ý kiến nhằm đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong thời gian sắp tới như học hỏi kinh nghiệm các tỉnh bạn, xây dựng thêm các mô hình sản phẩm dựa trên thế mạnh địa phương...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao những thành quả, đóng góp của hoạt động KH&CN trong phát triển KT-XH địa phương những năm qua. Tuy nhiên, hiện nay còn ít đề tài chất lượng cao, bên cạnh đó còn tồn tại những đề tài kém hiệu quả, gây lãng phí NSNN; chưa có sự động viên đối với những người sáng tạo KHKT hoặc những người ứng dụng tốt KHKT vào sản xuất và đời sống; nguồn nhân lực làm nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới ngành KH&CN cần đánh giá lại bao quát hơn, tổng hợp hơn về hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Cần xây dựng chiến lược phát triển KH&CN một cách bài bản để phục vụ cho tăng trưởng KT-XH; đồng thời hạn chế những đề tài manh mún, ít ứng dụng thực tiễn, gây lãng phí. Các hoạt động nghiên cứu KH&CN phải có tính ứng dụng cao, phải tiến hành đánh giá hiệu quả sau đề tài. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần xem xét lại cơ cấu kinh phí bố trí cho hoạt động KH&CN, trong đó giảm chi cho bộ máy và tăng chi cho xây dựng mô hình, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cần đánh giá lại kết quả nghiên cứu khoa học và nghiên cứu hợp tác với các đơn vị khoa học ngoài tỉnh để đưa hoạt động KH&CN có hiệu quả hơn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trong năm 2017 hoàn thành xây dựng thương hiệu sản phẩm từ cây xạ đen; năm 2018 thay thế giống cây mía tím, đánh giá hiệu quả cây thiên ngân để nghiên cứu thay thế cây keo; từ năm 2017 phấn đấu mỗi xã xây dựng một sản phẩm đặc sản đặc trưng chất lượng cao. Nghiên cứu xây dựng chiến lược ngân hàng đề tài KH&CN. Đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động KH&CN, đồng thời biểu dương các nhà khoa học tiêu biểu và những người ứng dụng tốt tiến bộ KHKT vào trong cuộc sống./.