Tại điểm cầu tỉnh, có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố và báo cáo viên cấp tỉnh.
Trong thời gian làm việc buổi sáng, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương truyền đạt Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40%. Đến năm 2045,Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á. Để đạt được những mục tiêu này, Nghị quyết đã đề ra 10 nhóm giải pháp.
Buổi chiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam quán triệt Kết luận số 45-KL/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về "Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo Kết luận số 45-KL/TƯ, những nguyên tắc, quan điểm quan trọng trong việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: Không gian phát triển quốc gia được tổ chức khoa học, thống nhất trên cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở 6 vùng kinh tế-xã hội và khai thác lợi thế của từng địa phương trong vùng và toàn vùng; Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.Phát triển có trọng tâm vào địa bàn có điều kiện thuận lợi về địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nguồn nhân lực và các lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải bảo đảm tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư cho biết, sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nội dung văn kiện Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành chương trình đề ra. Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu: Ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế- xã hội đất nước, đời sống của Nhân dân. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp, các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa các Nghị quyết, Kết luận nhanh chóng đi vào thực tiễn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra./.