DetailController

Khoa học - Môi trường

Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

17/09/2015 00:00
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ để giải quyết các vấn đề môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đặc biệt trong tổ chức, triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong toàn Đảng và toàn xã hội. Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 437-Ctr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực.
Ngày môi trường thế giới năm 2015 tại tỉnh Hòa Bình với chủ đề “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm vì một trái đất bền vững” huy động sự vào cuộc của đông đảo các tổ chức và cá nhân

 Công tác phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường được quan tâm thực hiện, lồng ghép vào nội dung nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của địa phương, đơn vị. Việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có chuyển biến về cả nhận thức và hành động, quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình thu gom, xử lý rác thải và thực hiện an toàn lao động, vệ sinh môi trường đối với người lao động. Các chỉ số về môi trường của tỉnh vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cơ bản thực hiện được mục tiêu đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, MTTQ, các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng và cộng đồng dân cư chủ động tham gia bảo vệ môi trường, theo đó công tác phối hợp liên ngành giải quyết các vấn đề bức xúc ở các địa phương ngày càng tốt hơn.

Hàng năm, UBND tỉnh và các ngành chức năng bố trí kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường không dưới 1% tổng chi cân đối ngân sách để thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Kết quả trong 10 năm, đã phê duyệt 223 báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án trên địa bàn, xác nhận hơn 700 bản cam kết của các tổ chức cá nhân. Nâng độ che phủ rừng lên 49%, có 04/06 cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã hoàn thành và được chứng nhận đã xử lý triệt để ô nhiễm. Công tác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường đáp ứng yêu cầu về môi trường đô thị hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại các khu đô thị và vùng ven đô thị, các địa phương đã chủ động xây dựng các tổ, đội vệ sinh thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt. Một số nơi xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh ở khu tập trung dân cư. 100% chất thải rắn y tế được thu gom và phân loại, 10/14 bệnh viện xây dựng hoàn thiện công trình xử lý nước thải. Tuy nhiên còn nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức dịch vụ vệ sinh môi trường theo quy định kỹ thuật, tình trạng chôn lấp không hợp vệ sinh chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt, thành phố Hòa Bình là trung tâm văn hóa - chính trị - xã hội của tỉnh chưa xây dựng được khu chôn lấp, xử lý rác thải; các hoạt động xây dựng cơ bản cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và đời sống của nhân dân.

Khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 90% diện tích tự nhiên và 80% dân số toàn tỉnh. Đây là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế thấp, hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường...còn nhiều hạn chế. Tại vùng nông thôn, về cơ bản đã dần hình thành nếp sống văn hóa, hợp vệ sinh, nhiều tập tục lạc hậu được xóa bỏ như: Bố trí chuồng trại gia súc xa khu vực nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, không xả rác bừa bãi...Môi trường vùng nông thôn đã có nhiều cải thiện, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao. Trong đó, tiêu chí môi trường là một trong 19 tiêu chí để đánh giá xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng tràn lan phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật vẫn còn phổ biến, khó kiểm soát, nhất là những vùng chuyên canh cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn có xu hướng làm tăng thách thức, khó khăn trong bảo vệ môi trường.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động số 437-Ctr/TU, tỉnh ta đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đạt được một số mục tiêu về an sinh xã hội như: 86% dân số vùng nông thôn được cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt; 57% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 49%; 100% rác thải được thu gom, xử lý; 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xử lý...Với nhiệm vụ chung là nâng cao vai trò QLNN, sự phối hợp về bảo vệ môi trường. Tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xã hội hóa bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững, phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường.