Thống kê những năm gần đây cho thấy, hàng năm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sử dụng khoảng 370 tấn thuốc BVTV các loại. Trong đó thuốc dạng chai (tuýp, lọ, can) nhựa chiếm 70%, dạng gói nhựa khoảng 30%. Khối lượng bao gói dạng chai chiếm khoảng 14,85% so với khối lượng tịnh của chai thuốc; khối lượng bao gói dạng gói chiếm khoảng 5% so với khối lượng tịnh của gói thuốc. Như vậy, với khối lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm khoảng 370 tấn thì sẽ phát sinh khoảng 44,12 tấn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Kèm theo lượng bao gói này là lượng thuốc BVTV còn sót lại trong bao bì; lượng thuốc tồn dư này rất dễ khuếch tán vào không khí hoặc thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước nếu không có giải pháp thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng một cách hiệu quả. Diện tích cây ăn quả có múi đạt 10,5 nghìn ha, trong đó, diện tích kinh doanh trên 6,6 nghìn ha, sản lượng ước đạt trên 120 nghìn tấn. Toàn tỉnh có 14 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích canh tác khoảng 271 ha.
Theo thống kê, tỷ lệ tái chế đối với chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt chiếm khoảng 20-40 % lượng chất thải; chưa có tỷ lại tái chế đối bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tỉnh cũng đang triển khai các kỹ thuật canh tác mới cho các cây trồng chủ lực có quy mô lớn tập trung theo hướng giảm phát thải khí nhà kính như: Thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lúa - thủy sản và cây trồng cạn nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện địa phương; đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung, phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và giảm phát thải khí nhà kính, khí mê-tan. Mở rộng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và quản lý cây trồng tổng hợp cho lúa và cây trồng cạn (các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G), tưới nước tiết kiệm v.v.). Thay thế phân đạm Ure bằng các loại phân bón chậm tan, phân bón tan có điều khiển, phân phức hợp chất lượng cao, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón giảm phát thải khí nhà kính. Khuyến khích sử dụng chế phẩm vi sinh vật, sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý phụ phẩm nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình nông, lâm kết hợp để nâng cao trừ lượng các-bon và bảo tồn đất; xây dựng và khuyến khích nhân rộng các lớp đào tạo nghề, các mô hình canh tác gắn liền với phát triển nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biển đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái.
Trong lĩnh vực thủy sản, chủ yếu nuôi trồng trên sông Đà các loại: Cá Măng, cá Thiểu, cá Mương, cá Chép, cá Trôi, cá Rô phi, cá Tép dầu, cá Trê, cá Lăng, cá Ngão, cá Vền và Tôm sông. Theo đánh giá, các hộ khai thác thủy sản, cơ bản chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác: không sử dụng ngư cụ cấm, xung điện, kích điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản; Không đánh bắt tại khu vực cấm khai thác; Không khai thác các loài thủy sản quý hiếm; trang bị ao phao, đèn tín hiệu đảm bảo an toàn khi khai thác thủy sản.
Hiện nay tỉnh Hòa Bình có trên 236 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 141 nghìn ha, rừng trồng trên 95 nghìn ha. Trong năm 2023 xảy ra cháy trên diện tích 7,8 ha, 6 tháng năm 2024 cháy 8,96 ha rừng (chủ yếu là rừng trồng keo, rừng trồng tre nứa và cây bụi lau lách), bị chặt phá 5,4 ha. Tỉnh thực hiện trồng mới tập trung khá tốt, riêng trong năm 2023 đã trồng trên 8,1 nghìn ha rừng, khoảng 950 nghìn cây phân tán; 6 tháng đầu năm 2024 trồng mới trên 6 nghìn ha rừng, trồn được 540 nghìn cây phân tán. Công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng được thực hiện nghiêm. Trên địa bàn tỉnh không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, an ninh rừng được giữ vững, độ che phủ rừng được duy trì ổn định, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 51%.
Mặc dù đã có những thành công bước đầu nhất định, tuy nhiên hiện nay nhận thức một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp về vấn đề môi trường còn chưa được coi trọng, vẫn còn tình trạng thực hiện chiếu lệ, đối phó. Chất thải rắn nói chung, bao gói thuốc BVTV, phân bón được thu gom vào các bể chứa đã đầy nhưng chưa có kinh phí cho việc vận chuyển, xử lý, dẫn đến tình trạng nhiều bể chứa quá tải, không có kho lưu chứa... do vậy, người dân phải tự xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt gây ô nhiễm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, sơ chế, chế biến trên địa bàn phần lớn là cơ sở nhỏ lẻ, phân tán tại các địa bàn, vì vậy hoạt động quản lý gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã tăng cường kiểm soát nhưng dấu hiệu vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp vi phạm ngày càng tinh vi và có chiều hướng gia tăng.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông nghiệp trong thời gian tới, thời gian tới cần tiếp tục lấy phòng ngừa và phòng tránh là chính, kết hợp với kiểm soát ô nhiễm, giảm nhẹ và khắc phục thiên tai; Coi trọng tính hiệu quả và bền vững trong khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Ưu tiên phát triển tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; Từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; Coi trọng việc ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào BVMT, ứng phó với tai biến thiên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với đặc tính sinh thái của địa phương, ứng dụng công nghệ sản xuất ít chất thải, công nghệ tái chế và tái sử dụng, công nghệ các bon thấp nhằm hướng đến nền kinh tế xanh. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiện đại, tiếp thu thành tựu quốc tế kết hợp với kinh nghiệm truyền thống và thực tiễn. Triển khai đồng bộ các biện pháp hành chính, các chế tài hình sự, các công cụ kinh tế, đồng thời sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của nhà nước, cộng đồng, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước; vận dụng linh hoạt các cơ chế kinh tế thị trường nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Các tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ tài nguyên và các giá trị dịch vụ môi trường phải trả tiền; gây ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và đa dạng sinh học phải trả chi phí khắc phục, cải tạo, phục hồi và bồi thường thiệt hại./.