Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh có 20 cụm công nghiệp với diện tích tổng diện tích là 754,57 ha. Nhiều cụm công nghiệp dù chưa hoàn thành nhưng đã có nhiều doanh nghiệp thứ cấp đầu tư nhà xưởng sản xuất. Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại hầu hết các cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế. Cùng với đó là hệ thống pháp luật và chính sách về bảo vệ môi trường còn nhiều điểm chưa đồng bộ. Việc xác định các vấn đề về môi trường, cũng như kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động công nghiệpvà thương mại trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết.
Nhằm giúp cơ quan quản lý Nhà nước có các giải pháp cụ thể, tránh bị động trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với các sự cố môi trường ngày 9/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND về bảo vệ môi trường ngành Công Thương tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025. Theo Kế hoạch, đến năm 2025, sẽ có 70-90% nguồn thải trong lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, xí nghiệp được tái chế, tái sử dụng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và 85% Cụm công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng đặc biệt quan trọng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương. Hướng dẫn về thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải công nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn phế liệu và chất thải công nghiệp có thể tái chế, tái sử dụng. Xây dựng hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương, trong đó tập trung vào một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực ngành Công Thương. Thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện các tiêu chí về quy mô công suất, tiêu hao năng lượng, công nghệ và thiết bị sản xuất công nghiệp đối với các dự án đầu tư tại địa phương. Từng bước thay thế các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng. Điều tra, nhận diện các tác động môi trường của các dạng năng lượng mới như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Thúc đẩy thí điểm các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp, hướng đến xây dựng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường./.