
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, Nhà nước ta đã ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường và sẽ được thực hiên trong thời gian tới. Việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân, các nhóm hàng hoá cụ thể sẽ góp phần giúp nhà nước có được nguồn thu ổn định để chi cho các hoạt động xử lý, bảo vệ và ngăn chặn tình trang ô nhiễm môi trường cũng như các hệ luỵ do ô nhiễm môi trường gây ra.
Luật thuế bảo vệ môi trường có 4 chương với 13 điều, quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế; người nộp thuế, căn cứ tính thuế, biểu khung thuế bảo vệ môi trường, kê khai, tính thuế, nộp và hoàn thuế và 8 nhóm hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế, cụ thể gồm: xăng, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Xăng, dầu là đối tượng có phạm vi sử dụng rộng rãi, nên nguy cơ gây ô nhiễm môi rất cao và có thể chịu mức thuế từ 300 đến 4000 đồng/lít tuỳ loại. Bên cạnh đó, việc đưa xăng, dầu, mỡ nhờn vào đối tượng chịu thuế nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Nhóm đối tượng chịu thuế thứ thứ hai là than đá, gồm than nâu, than antraxit, than mỡ. Đây là mặt hàng đầu vào của nhiều ngành sản xuất như điện, xi măng, giấy, phân bón. Để không tác động lớn đến hoạt động khai thác, kinh doanh than thì biểu mức thuế phù hợp đối với với nhóm hàng hoá này sẽ là từ 10 đến 30 ngàn đồng/tấn.
Nhóm hàng hóa thứ ba là túi nhựa xốp (túi ni lông), để tác động mạnh đến hành vi của người sử dụng, Luật quy định mức thuế từ 30 đến 50 ngàn đồng/kg (tương đương khoảng 100-150% giá hiện hành. Việc đưa than đá và túi nhựa xốp vào đối tượng chịu thuế nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý, góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng tài nguyên, khoáng sản của đất nước, giảm sử dụng nhựa, túi nilông khuyến khích sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Ba nhóm hàng hoá phải chịu thuế bảo vệ môi trường tiếp theo gồm: thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng (thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối). Đối với 3 nhóm hàng hoá này, mức thuế sẽ phải chịu là từ 500 đến 3000 đồng/kg. Đây là những hợp chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp từ các chất hóa học được dùng để phòng trừ dịch hại trên cây trồng và bảo quản nông sản. Việc đưa hóa chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng vảo đối tượng chịu thuế nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng, khuyến khích thay đổi thói quen sử dụng lạm dụng, giảm thiểu những tác hại xấu của hóa chất đối với môi trường. Ngoài ra, còn có các nhóm hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường khác như dung dịch Hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC), có mức thuế bảo vệ môi trường từ 1000 đến 5000 đồng/kg.
Trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, việc bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường Nhà nước đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, một mình Nhà nước không thể hoàn thành được công việc khó khăn này. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia tích cực và nhiều mặt của các tổ chức và cá nhân, của mọi thành phần kinh tế, các cộng đồng dân cư là điều nhiệm vụ cần thiết và cấp bách góp phần bảo đảm sự thành công của sự nghiệp bảo vệ môi trường; đáp ứng với những yêu cầu về bảo vệ môi trường do Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra.