13 hiện vật là những bảo vật hoàng cung triều Nguyễn, thế kỉ 19 được chọn trong hàng nghìn hiện vật hoàng cung đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phục dựng, phục chế lại trong 3 năm qua, đã ra mắt công chúng sáng 9-10 tại cuộc trưng bày chuyên đề “Bảo vật hoàng cung”.
Gần 3000 hiện vật hoàng cung được Chính phủ Việt Nam tiếp nhận từ nhà Nguyễn năm 1945. Sau nhiều cuộc chuyển dịch bởi chiến tranh, năm 1961 những hiện vật này đã có cuộc trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nhưng cũng từ cuộc trưng bày này, một bảo vật là ấn của Nam phương Hoàng hậu bị đánh cắp. Trước sự việc trên, Bộ Công an đã yêu cầu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chuyển vào kho bảo quản của Ngân hàng Nhà nước.
Gần nửa thế kỷ “nằm” trong kho bảo quản của Ngân hàng Nhà nước, nhiều hiện vật đã bị o-xy hóa, mối xông…Năm 2007, sau khi Bảo tàng Lịch sử hoàn thiện khu bảo quản đặc biệt, số bảo vật và hiện vật này được chuyển về Bảo tàng để các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu và phục dựng, phục chế.
Sau 3 năm thực hiện dự án phục dựng, phục chế, 13 bảo vật hoàng cung đã hoàn chỉnh và đã được giới thiệu tại cuộc trưng bày “Bảo vật hoàng cung”, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Trong 13 hiện vật có ba chiếc kim ấn bảo tỷ - vốn được gọi là bảo vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vương triều Nguyễn và được chuyển giao qua những triều đại khác nhau. Trong đó có một chiếc ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ, 2 chiếc ấn còn lại đều bằng vàng ròng, được đúc vào tháng 10 năm Minh Mạng 8 (1827).
Hai chiếc kim ấn, một là kim ấn Sắc mệnh chi bảo nặng 8,5 kg, gồm hai cấp, có hình vuông, trên ấn có hình rồng đầu ngẩng, hai sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán: “Thập tuế hoàng kim nhị bách nhị thập tam lạng lục tiền - Minh Mạng bát niên thập nguyệt cát nhật tạo”. Chiếc kim ấn thứ hai Hoàng đế tôn thân chi bảo - có kích thước to hơn, nặng 8,7 kg, khắc hai dòng chữ: “Thập bát kim, trọng nhị bách tam thập tứ lạng tứ tiền tam phân - Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo”.
10 bảo vật khác bao gồm kiếm vàng (2 chiếc), mũ vàng của vua (2 chiếc), sách vàng (1 cuốn), ấm chén vàng (2 bộ)... Trong số đó, chiếc mũ bình thiên bằng vàng khối, chế tác trong thế kỷ 19, có trọng lượng 0,66kg, chiếc kiếm vàng An dân bảo kiếm có trọng lượng 0,58 kg, cuốn sách vàng chế tác năm Gia Long thứ 5 (1806) có trọng lượng 2,1kg...
Ông Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, thành viên dự án phục dựng, phục chế bảo vật hoàng cung cho biết, bảo vật hoàng cung ngay từ khi được chế tác hay lưu truyền qua các triều đại đều là những vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của nhà vua, những đồ ngự dụng. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những bảo vật này còn được bảo quản, gìn giữ nguyên vẹn tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đây là những bảo vật vô giá của nhân dân Việt Nam, không những chứa đựng những giá trị lịch sử phong phú mà còn phản ánh tài nghệ khéo léo của các nghệ nhân cung đình qua từng thời đại.