Từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã đầu tư nguồn kinh phí để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Chương trình Tổng kiểm kê toàn bộ các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Với đầu tư của địa phương, cùng với nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu của Bộ VH,TT&DL, Sở VH,TT&DL tỉnh đã tổ chức thực hiện đề tài khoa học kiểm kê Mo dân tộc Mường Hòa Bình nhằm mục đích rà soát, đánh giá thực trạng số lượng các ông Mo và việc duy trì, diễn xướng các áng Mo của dân tộc Mường Hòa Bình. Nội dung điều tra, kiểm kê và tổ chức sưu tầm để nắm được số lượng ông Mo hiện đang hành nghề trong tỉnh; số lượng bài Mo của từng vùng; tổ chức quay phim, chụp ảnh, ghi âm các bài Mo thực tế thông qua phần diễn xướng của các ông Mo. Sau đó tổ chức hội thảo từng vùng Mường; tổ chức thẩm định, nghiệm thu và lập hồ sơ khoa học trình các cấp quyết định đưa vào kho dữ liệu bảo tồn. Trong sản phẩm kiểm kê, đã tổ chức quay phim 4 phần diễn xướng Mo của 4 đám tang tại các vùng Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi – 4 cái nôi của 4 Mường lớn xưa: Bi, Vang, Thàng, Động. Kết quả thu được 1.000 ảnh và gần 100 cuốn băng ghi hình. Các tư liệu đó đã được chuyển thành đĩa DVD và VCD.
Từ năm 2016 trở lại đây, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về những giá trị văn hóa Mo Mường đã từng bước thay đổi, nhất là sau khi Mo Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chỉ thị số 08, ngày 20/1/2016 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được ban hành. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập BCĐ về di sản văn hóa Mo Mường. Theo đó công tác sưu tầm, biên soạn tài liệu về Mo Mường được quan tâm chỉ đạo thực hiện; đội ngũ nghệ nhân Mo Mường được thống kê, rà soát, động viên kịp thời. Năm 2016, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với 200 nghệ nhân Mo Mường đạt danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Công tác nghiên cứu, sưu tầm các giá trị đặc sắc của Mo Mường tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm phù hợp với tình hình của từng địa phương, đơn vị.
Năm 2018 UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành 2 đề án: Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu dân tộc Mường giai đoạn 2018 – 2030” và đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo”. Cũng trong năm 2018, với sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, các câu lạc bộ Mo Mường được thành lập. Tại đây, các nghệ nhân sinh hoạt, sưu tầm, tìm kiếm lại các róong mo cổ, sáng tác các câu thơ mo mới. Đến nay, đã tập hợp được 115 róong mo, với hơn 44.000 câu thơ mo và để trình diễn hết các bài mo phải mất 23 ngày mo liên tục. Cùng với đó là tìm kiếm những người trẻ có đủ khả năng, nhiệt huyết để truyền lại nghề. Lần đầu tiên trong lịch sử, tỉnh đã xây dựng được bộ chữ viết dân tộc Mường, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc ghi lại các áng mo và tạo tiền đề cho nghiên cứu, ghi chép văn hóa dân tộc.
Với tầm quan trọng đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra nhiệm vụ: “Huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa miền núi đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong tỉnh gắn với phát triển du lịch, trình tổ chức UNESCO hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.
Hiện nay, các ngành chức năng thực hiện sưu tầm, thống kê đầy đủ các giá trị di sản Mo Mường, biên soạn từ điển Mo Mường Hòa Bình; tư liệu hóa, số hóa di sản văn hóa Mo Mường…Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường (tỉnh Hòa Bình) trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Từ ý kiến chỉ đạo trên, ngành VH,TT&DL đã xây dựng Tờ trình đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về việc tán thành Đề án xây dựng hồ sơ Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; tổ chức bảo tồn, phát huy sau khi được ghi danh. Đề án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và 6 tỉnh thành tham gia hồ sơ là Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa. Dự kiến đề án có tổng kinh phí khoảng 15,2 tỷ đồng, bắt đầu thực hiện từ năm 2021, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025.
Theo lộ trình, sau khi được HĐND tỉnh nhất trí thông qua việc thực hiện đề án, Sở VH,TT&DL (cơ quan chủ trì) sẽ phối hợp với Bộ VH,TT&DL, các tỉnh liên quan thực hiện tổ chức các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, tọa đàm khoa học tại các địa phương; tổ chức điền dã khảo sát Mo Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và 06 tỉnh, thành tham gia; tổ chức kiểm kê di sản Mo Mường, thu thập bản cam kết của cộng đồng nắm giữ di sản; tiến hành sưu tầm, thu thanh, ghi hình các nghi lễ Mo Mường; tổ chức đoàn công tác bảo vệ Bộ hồ sơ Mo Mường tại hội nghị Liên chính phủ của UNESCO…Đề án được công nhận sẽ khẳng định và khuyến khích sự sáng tạo các biểu đạt truyền khẩu, nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống, giá trị nhân văn đảm bảo sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa của nhân loại. Việc đưa Mo Mường vào danh sách bảo vệ khẩn cấp sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và nhân dân cả nước về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc./.
Giám đốc Sở VH,TT&DL báo cáo tiến độ lập Tờ trình trình HĐND tỉnh về thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu dân tộc Mường