Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường trong đó có di sản văn hóa phi vật thể là hết sức cần thiết, qua đó quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới.
Trong giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh Hòa Bình đã tiến hành kiểm kê đối với di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số trong tỉnh. Kết quả đã kiểm kê được 267 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường; lập hồ sơ khoa học 4 di sản văn hóa phi vật thể của người Mường Hòa Bình đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang chủ trì, phối hợp tiến hành lập hồ sơ cấp Nhà nước đệ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Việc thành lập các câu lạc bộ Mo Mường tại các huyện trong thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của quần chúng. Theo kết quả kiểm kê năm 2022, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn gần 200 thầy Mo đang hoạt động. Chính quyền cấp xã, huyện đã kết hợp chặt chẽ với cộng đồng theo phương châm xã hội hóa trong quản lý câu lạc bộ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường; có 35 lễ hội truyền thống của người Mường. Các lễ hội chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp, tín ngưỡng dân gian và các di tích đình, đền, chùa, miếu trong vùng đồng bào Mường sinh sống. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo tổ chức thành công Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường cấp tỉnh tạo ấn tượng tốt đẹp cho người dân và du khách, góp phần quảng bá di sản văn hóa độc đáo của người Mường.
Dân ca, dân vũ, dân nhạc cũng là một kho tàng rất đồ sộ và quý báu, là thành phần không thể thiếu, góp phần quan trọng hình thành bản sắc văn hóa độc đáo dân tộc Mường Hòa Bình. Hiện nay, người Mường còn lưu giữ được nhiều bài dân ca, các điệu múa cổ và nhạc cụ truyền thống có giá trị. Bên cạnh đó, người Mường còn lưu giữ 47 trò chơi dân gian với nhiều hình thức khá phong phú, đa dạng cho các lứa tuổi, giới tính. Các trò chơi dân gian dân tộc Mường Hoà Bình thường được tổ chức trong các ngày vui, lễ hội, cuộc thi trong cộng đồng,... trong đó nhiều trò chơi dân gian được người Mường tổ chức thường ngày. Thông qua các trò chơi dân gian mọi người được vận động cơ thể, rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật kết hợp giữa thể lực và sự khôn khéo; góp phần xây dựng tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí rèn luyện sức mạnh, dẻo dai, khôn khéo giúp con người phát triển về thể chất. Nhiều trò chơi dân gian dân tộc Mường Hoà Bình đã được khôi phục tiêu biểu như: Kéo Co, Đẩy gậy, Bắn nỏ, Ném Còn, Vật, Đi Kà kheo, Đánh chó, Đánh Mảng,...
Nhằm bảo tồn, phát huy ngữ văn dân gian, tiếng nói, chữ viết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2295/QĐ-UBND ngày 08/9/2016 về việc phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình với mục đích đưa Bộ chữ dân tộc Mường vào đời sống, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường; biên soạn các tài liệu “Hướng dẫn dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường”, “Tiếng Mường cơ sở”, “Đọc, hiểu tiếng Mường” để triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân vùng đồng bào Mường sinh sống. Trong công tác bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống, Người Mường đã sáng tạo và phát triển các nghề thủ công tạo ra những sản phẩm tiện dụng và độc đáo mang bản sắc riêng. Tiêu biểu là các nghề: Dệt, nghề mộc, đan lát các đồ gia dụng… trong đó độc đáo là nghề dệt thổ cẩm gắn liền với vai trò người phụ nữ trong đời sống. Hiện nay, tại các địa phương đã có nhiều hợp tác xã, tổ sản xuất phát triển nghề dệt truyền thống của người Mường để tạo ra các sản phẩm mặt hàng lưu niệm với những hoạ tiết trang trí đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tri thức dân gian trong đời sống của người Mường có vai trò quan trọng góp phần trong việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe con người, động vật, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên đất, nước, khoáng sản,…Năm 2022, Lịch Đoi (lịch tre) của người Mường Hòa Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay nhiều bài thuốc dân gian của người Mường được nghiên cứu phát triển thành các loại thuốc có giá trị phục vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Trong nghệ thuật trình diễn, Người Mường ở Hòa Bình có 29 loại hình nghệ thuật trình diễn tiêu biểu như: Trống đồng, Hát Thường, Bọ mẹng, Hát ví, Hát đúm dao duyên… Trong đó, nghệ thuật diễn xướng Mo trong lễ tang của người Mường gắn với Sử thi "Đẻ đất đẻ nước" là rất độc đáo. Trong những năm qua tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động khai thác bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật trình diễn của dân tộc Mường, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Trong quá trình sinh sống người Mường đã tìm ra nguồn thực phẩm và sáng tạo chế biến thành những món ăn, đồ uống nuôi sống con người, gắn bó cộng đồng. Theo thống kê người Mường có đến 69 món ăn, đồ uống được chế biến từ các nguyên liệu trồng trọt, chăn nuôi và khai thác từ thiên nhiên. Nhiều món ăn được chế biến có giá trị như những bải thuốc hỗ trợ sức khỏe cho con người. Hiện nay, các món ăn cổ truyền của người Mường trong sinh hoạt hàng ngày được các cơ sở kinh doanh dịch vụ khai thác thành những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay một số loại hình di sản văn hóa trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Trong khi đó, việc đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mường chưa tương xứng với giá trị của di sản. Nhiều di sản văn hóa có giá trị của dân tộc Mường chưa được đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng; việc nghiên cứu lập hồ sơ đối với di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn ít; công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu di sản văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình chưa hiệu quả; hạn chế trong công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường Hoà Bình…Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự tham gia của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và xã hội…/.