DetailController

Thời sự trong ngày

Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ gắn với xúc tiến du lịch của các di tích khảo cổ

06/04/2023 17:00
Tỉnh Hòa Bình hiện có 10 di tích khảo cổ về nền "Văn hoá Hoà Bình" tiêu biểu được xếp hạng di tích quốc gia, gồm: Hang Tằm, Hang Chổ (huyện Lương Sơn); Hang Muối, Hang Bưng (huyện Tân Lạc); Hang Khoài, Hang Láng (huyện Mai Châu); Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành (huyện Lạc Sơn); Động Tiên, Hang Đồng Thớt (huyện Lạc Thủy). Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy những di sản khảo cổ, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó quan tâm, gắn phát triển du lịch với các di tích khảo cổ.
Khu Di tích Quốc gia Hang Xóm Trại, xã Tân Lập (huyện Lạc Sơn) được tu bổ,tôn tạo phục vụ khách thăm quan, nghiên cứu, học tập về Văn Hoá Hoà Bình

Hiện nay, tỉnh đã khoanh vùng bảo vệ, dựng biển thông báo các điểm di tích; đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ. Trong năm 2022, tỉnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép khai quật khảo cổ tại 02 điểm Di tích khảo cổ quốc gia là Mái đá Làng Vành và Hang xóm Trại (huyện Lạc Sơn). Đợt khai quật lần này đã phát hiện được hàng nghìn hiện vật.Sự phân bổ của các di tích, cùng với các hiện vật được tìm thấy đã tạo nên hứng thú cho du khách đến tìm hiểu và thăm quan. Các di tích khảo cổ là những giá trị đặc sắc, mở ra cho du khách nhiều ngăn tầng văn hóa hấp dẫn của tổ tiên nhiều chục nghìn năm trước.

Cùng với các di tích, Bảo tàng Hòa Bình, hiện đang lưu giữ, trưng bày hơn 18.000 cổ vật. Nhiều loại cổ vật có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, như: Công cụ đồ đá, đồ xương, đồ gốm, ngôi mộ hóa thạch... Để phục vụ nhu cầu học tập, giáo dục, nghiên cứu của nhân dân, Bảo tàng vừa mở cửa đón khách, vừa tổ chức các buổi trưng bày lưu động tại các huyện, thành phố. Ngoài ra, Bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức các chuyên đề trưng bày gắn với những sự kiện lớn của tỉnh. Thông qua các hoạt động, Bảo tàng đã giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống của con người đến đông đảo công chúng. Theo thống kê, năm 2022, Bảo tàng đón 3.000 lượt khách đến thăm quan, nghiên cứu.

Việc khai thác các di tích khảo cổ trong hoạt động du lịch vừa phát huy giá trị di tích hiệu quả, vừa góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương. Để phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa đặc biệt của di tích khảo cổ được bền vững, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch, bảo tồn di tích khảo cổ.

Bên cạnh đó, tỉnh cho tiến hành khảo sát, triển khai tu bổ, tôn tạo các di tích, tập trung nguồn lực nâng cao cơ sở hạ tầng tại chỗ để phục vụ tốt lượng khách du lịch đến thăm quan. Đẩy mạnh công tác quảng bá di sản văn hóa, xúc tiến du lịch và chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại di tích, bảo tàng. Tăng cường đào tạo, phát huy nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ gắn với du lịch./.