Đối với người Mường cổ xưa trò chơi dân gian gắn bó mặt thiết trong đời sống của họ. Vào ngày hội, ngày xuân hay những buổi chiều sau một ngày làm việc vất vả, hoặc vào những đêm trăng tại các bản làng của người Mường thường diễn ra nhiều trò chơi bổ ích và lý thú. Những trò chơi dân gian rất gần gũi với tất cả mọi người như ném còn, đập nàng khọt, đánh đu..Tùy thuộc vào từng trò chơi mà người tham gia có thể là trẻ em hay người lớn. Theo các nhà nghiên cứu thì trò chơi dân gian là một mảng quan trọng trong di sản văn hóa phi vật thể của người Mường. Đây là tri thức bản địa tồn tại dưới dạng các trò chơi dân gian, ngoài mục đích chính là giải trí còn có mục đích rèn luyện thể lực, trí óc giáo dục con người.
Trò chơi dân gian Mường phản ánh đời sống, sinh hoạt, sản xuất, quan hệ giữa con người với con người và thiên nhiên. Khi chơi con người hòa nhập vào một thế giới thoải mái, tinh thần mới mẻ khác xa với cuộc sống đời thường giúp con người có thể thỏa trí tưởng tượng để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cuộc sống người Mường đã có nhiều thay đổi. Chính vì vậy nhiều giá trị văn hóa của người Mường bị mai một đặc biệt trò chơi dân gian cũng dần vắng bóng trong đời sống hàng ngày của người dân. Giờ đây đến các bản mường điều đáng tiếc là không còn nhiều hình ảnh những trẻ nhỏ tham gia chơi những trò chơi dân gian nữa. Một thời gian dài, trò chơi dân gian ngày xuân không còn giữ vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng như trước nữa.
Nhận thấy nhiều giá trị truyền thống của dân tộc bị mai một đi đặc biệt trong đó có trò chơi dân gian của người mường, anh Bùi Huy Vọng một trong những người con của vùng đất Mường Vang là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã dành nhiều thời gian và tâm huyết đi sưu tầm các trò chơi dân gian của dân tộc mình. Theo anh tất cả các văn hóa của cha của người Mường lưu truyền lại cho con cháu đều do truyền miệng, cùng với những biến đổi của thời gian mà các giá trị đó càng bị mai một đi. Tiếc cho những giá trị văn hóa của người Mường ngày càng bị quên lãng dần nên anh đã quyết định đi sưu tầm và lưu giữ lại. Không quản ngại đường xá xa xôi vất vả anh đã đến từng bản làng để hỏi các bố, các mế về những trò chơi khi xưa. Sau gần một năm miệt mài nghiên cứu tìm tòi giờ đây đã có một bản thảo hàng trăm trang với hầu hết những trò chơi dân gian như đạp nàng khọt, đố lá, đi hùm, trò đánh cúi cái… Anh Bùi Huy Vọng,cho biết thêm: Trò chơi dân gian là một trong những mảng tri thức cấu thành văn hóa Mường. Trò chơi dân gian không riêng người Mường có mà các dân tộc khác hầu như dân tộc nào cũng có trò chơi dân gian. Trò chơi dân gian trong điều kiện cổ truyền xã hội cũ có mục đích rất rõ ràng là giải trí, cho những người chơi được vui chơi sau những ngày lao động căng thẳng, mệt mỏi. Trẻ em ngày trước điều kiện không có, trường học dân gian nghĩ ra các trò chơi để lồng vào cho các em vừa học vừa chơi. Trong trò chơi còn có ý nghĩa giáo dục con người, hướng con người đến những kỹ năng, kỹ xảo nhất định trong một mảnh trò chơi nào đó. Chính vì lý do đó tôi rất đam mê về vấn đề này hơn nữa cái thúc bách hiện nay là các trò chơi hiện đại du nhập vào nhiều như game điện tử cho nên các trò chơi dân gian đã dần dần bị lãng quên và đẩy lùi khỏi xã hội. Nhận thấy giá trị và ý nghĩa quan trọng của nền văn hóa như thế nên tôi thấy xót xa về điều này nên tôi bỏ công sức để sưu tầm, nghiên cứu lại các trò chơi dân gian.
Hiện nay ngoài sự nỗ lực cố gắng của những con người như anh Bùi Huy Vọng thì sau nhiều năm vắng bóng, cùng với việc khôi phục các lễ hội, nhiều trò chơi dân gian cũng được phục dựng. Những năm gần đây đến các bản Mường vào dịp đầu năm thì ngoài lễ hội độc đáo nhiều trò chơi dân gian diễn ra hết sức sôi động. Trò chơi ném còn là một trong những trò chơi được người dân chơi nhiều nhất. Thường là trước tết nguyên đán dân làng chọn cây tre thẳng già dài từ 5 đến 6m. trên đầu gắn một vòng tròn có đường kính 80 cm, được bịt giấy bản màu đỏ. Cây tre này được chôn giữa bãi đất bằng phẳng. Quả còn được người đứng bên kia bắt rồi ném qua vòng tròn ấy cho người đứng bên này bắt. Ném còn là trò chơi giải trí giao duyên, mọi người chỉ xếp thành hai hàng hai bên, nhiều khi không có cây tre ở giữa với vòng tròn trên đầu mà đơn giản chỉ tung ở phía bên này qua bên kia. Nam nữ chơi ném còn để rồi yêu nhau, kết đôi thành vợ thành chồng cùng nhau đoàn kết xây dựng bản mường no ấm.
Đối với người Mường ném còn là trò của lễ hội, trò của ngày tết. Thường chỉ khi bản mường vào hội hay tết người ta mới dựng cây nêu chơi còn. Hội tan cây nêu vẫn để đó cho những ai ngày thường muốn cũng có thể chơi.
Bên cạnh trò chơi ném còn chơi đu là một sinh hoạt văn hóa thể hiện tính cộng đồng của người Mường. Ai muốn thể hiện tài năng của mình cứ việc tự do lên cánh đu. Đánh đu kích thích hoạt động và lòng dũng cảm của trai gái. Người chơi đu cũng có sự lựa chọn nhau sao cho hòa hợp giữa từng đôi nam nữ cả mặt tình ý và nghệ thuật nhún đu. Muốn đu bay bổng đôi bên trai gái phải có sự kết hợp sao cho nhịp nhàng, người này nâng người kia lên và ngược lại bằng động tác nhún. Nhún đu có thể nhún đôi hoặc một. Nhún đu thường một đôi trai gái. Theo quan niệm của người Mường trai gái chụng đu báo hiệu sự may mắn thịnh vượng cho cả làng chụng đu cho con cháu có thêm sức khỏe, cần cù chịu khó, cây lúa nên bông hoa kết trái, bản mường no ấm hạnh phúc. Vì vậy người khai hội chụng đu luôn là đôi trai tài gái sắc của bản Mường. Trên thực tế hiện nay thì trò chơi này được thể hiện rõ nét nhất trong hội Đu mường vôi được tổ chức vào dịp xuống đồng của người Mường.
Đối với người Mường những trò chơi dân gian được tái hiện lại đã góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân. Và hiện nay phong trào phục dựng trò chơi dân gian đang được các cấp, các ngành quan tâm. Điều đáng mừng không chỉ ở các lễ hội mà ở ngay trong trường học nhất là các trường dân tộc nội trú nhà trường đã đưa một số trò chơi dân gian vào để các em học tập và vui chơi giải trí và cũng là cách để giữ gìn bản sắc dân tộc. Tuy nhiên thực tế mới có trò chơi gắn với lễ hội được phục dựng và hầu hết chỉ diễn ra trong ngày lễ chưa trở về với đời sống sinh hoạt cộng đồng. Việc phục dựng chỉ có ý nghĩa bảo tồn chứ chưa tạo điều kiện để chúng trở về với đời sống, nơi nó được sinh ra. Một thực tế là nhiều trò chơi xưa được khôi phục nguyên vẹn nhưng phần hồn ý nghĩa của các trò chơi đang dần bị lãng quên. Người dân không biết ý nghĩa của trò chơi như thế nào. Để văn hóa Mường không bị mai một, những trò chơi dân gian xưa trở về với cuộc sống vốn có của nó rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng.
Mấy năm gần đây các trò chơi dân gian diễn ra trong lễ hội đã thực sự thu hút được sự tham gia của các bản Mường. Song việc phục dựng các trò chơi ấy theo phong trào hay san khấu hóa chưa thể là nỗ lực bảo vệ giá trị của cha ông. Các hình thức vui khỏe của người Mường xưa, tinh thần thể thao của thế hệ trước chỉ có thể sống lại, tồn tại trong đời sống hôm nay từ chính những sinh hoạt cộng đồng thực sự. Muốn gìn giữ và phát huy trò chơi dân gian phải xuất phát từ chính lòng tự hào của người dân về những cái mà họ có và đang có.