Rời xa cái náo nhiệt của thành phố khói bụi, không phải đi xa có một điểm đến mà khi tới đó bạn như hoà mình vào thiên nhiên con người nơi núi rừng Tây Bắc, tất cả vẫn nguyên vẹn, hiện hữu như cái cổ xưa vốn có ở các bản mường cổ trên mảnh đất Hòa Bình. Nằm trên vạt đồi, trong một thung lũng đá vôi nhỏ hẹp, cách trung tâm thành phố Hoà Bình 7km về phía Tây - vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ - Bảo tàng Không gian văn hoá Mường đã và đang tái hiện, lưu giữ lại những nét văn hoá Mường đặc sắc.
Với không gian xã hội Mường thu nhỏ, bảo tàng được thiết kế và xây dựng bởi hoài bão của một hoạ sĩ trẻ trót mang trong mình tình yêu với nền văn hóa Mường nơi đây.
Vừa đặt chân lên Bảo tàng, ấn tượng đầu tiên là khung cảnh hai bên đường đi với những bông hoa rừng vàng mượt như những lời mời chào du khách; tiếp đến một quần thể kiến trúc nhà sàn gồm khu nhà làm việc, quầy hàng lưu niệm với các món đồ mang đậm nét bản sắc Bảo tàng ; khu sân chơi cộng đồng; khu phòng trưng bầy với hơn 3000 hiện vật được trưng bày, tái hiện sinh động đời sống văn hóa vật chất và tinh thần người dân Mường Hòa Bình: sắn bắn, hái lượm, dệt vải, nhạc cụ, cồng chiêng, nghi lễ tang ma …; và một thư viện sách với nhiều thể loại, nhất là những cuốn sách quý về văn hóa người Mường. Mỗi góc không gian Bảo tàng đều chứa đựng một nét văn hóa trong tổng thể văn hóa tộc người Mường được xây dựng theo chủ ý của chủ nhân. Nhưng đặc biệt ấn tượng hơn cả là quần thể 4 ngôi nhà sàn cổ tượng trưng cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trước cách mạng tháng Tám, thiết chế xã hội người Mường ở Hoà Bình là mối quan hệ giữa xóm - Mường – nhà Lang, với thiết chế như vậy, xã hội Mường Hoà Bình chia ra thành hai đẳng cấp rõ rệt. Tầng lớp thống trị: người đứng đầu Mường là quan Lang: Lang cun và Lang đạo. Tầng lớp bị trị: gồm những người thường dân, phân thành ba tầng lớp nhỏ gồm: Ậu là người giúp việc quản lý đất và người cho Lang; thấp hơn là tầng lớp các nhà Noọc( nhà Nóc) gồm phần lớn dân cư trú trong Mường, những hộ phải gánh vác đa số các hình thức lao dịch cho Lang; và cuối cùng là tầng lớp Noọckloi( Nóc trọi), những hộ chỉ làm nương dẫy.
Ngôi nhà sàn đầu tiên, ngôi nhà của tầng lớp quý tộc mà người Mường vẫn gọi là “nhà Lang”. Tầng lớp thống trị nhà Lang hợp thành những dòng họ phụ hệ, mỗi dòng họ chiếm lĩnh một Mường. Dòng họ Lang tự phân biệt với các dòng họ khác không chỉ bằng Mường họ chiếm lĩnh mà còn bằng một tên họ. Ở Hoà Bình các dòng họ nắm quyền thống trị lâu đời là các họ: Đinh, Quách, Bạch, Hà, Hoàng. Trong đó, họ Đinh và họ Quách là những họ giàu có, với thế lực mạnh và tồn tại lâu đời nhất cùng những biến cố lịch sử người dân Mường nơi đây.
Được đặt trên vị trí trang trọng đầu tiên, ngôi nhà quan lang xây dựng công phu tỉ mỉ, bề thế không chỉ ở kiến trúc mà bản thân ngôi nhà còn ấn chứa nhiều câu chuyện huyền bí xoay quanh nó. Ngôi nhà được chủ nhân Bảo tàng nhờ cái duyên cái nợ với văn hóa Mường làm cảm đông tấm lòng bà cụ nay gần 100 tuổi cái tuổi xưa nay hiếm,vốn là con cháu dòng họ lang ở vùng Mường Bi (huyện Tân Lạc) để lại cho, bà không biết ngôi nhà được xây dựng từ bao giờ, chỉ nhớ rằng từ lúc sinh ra đời ông bà, cha mẹ đã thấy có ngôi nhà này rồi… Ngôi nhà lang, hiện vẫn được lưu giữ nguyên vẹn trong khuôn viên Bảo tàng với lối kiến trúc cổ ngay nay còn rất ít ở các vùng Mường.
Tiếp theo là ngôi nhà sàn tầng lớp Ậu người giúp việc Lang quản lý đất, quản lý người và ngôi nhà thứ ba là tầng lớp dân thường, tầng lớp lao động chiến số lượng đông nhất nuôi sống các tầng lớp trên trong xã hội Mường. Mỗi ngôi nhà tùy vào địa vị xã hội và thân phận có cách bầy trí, quy mô khác nhau. Nhưng có một chi tiết nhỏ, đã được tái hiện tinh tế trong Bảo tàng, là ở phía trước hàng rào mỗi gia đình, để phân biệt đâu là nhà lang, đâu là nhà dân hay tầng lớp giúp việc chỉ cần nhìn vào đó cũng đủ biết. Hàng rào nhà Lang được bện thêm 3 lớp rơm xen ngang vào hàng rào nứa, còn hàng rào nhà Ậu thì chỉ có 1 lớp rơm, tầng lớp thường dân hàng rào nứa trơn không có rơm bện, những điều tưởng trừng như nhỏ này nhưng lại được quy định rất nghiên ngặt trong xã hội cổ truyền xưa.