DetailController

Khoa học - Môi trường

Bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa bão

19/05/2015 00:00
Mùa mưa bão đang đến gần, việc bảo đảm an toàn giao thông trước, trong và sau mưa bão là điều rất quan trọng đối với tỉnh miền núi như Hòa Bình. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại và bảo đảm an toàn giao thông thông suốt trong mọi tình huống, hiện nay Sở Giao thông- Vận tải đang chuẩn bị cũng như triển khai mọi biện pháp kịp thời ứng cứu với những sự cố bất thường do thời tiết gây ra.

Sở Giao thông - Vận tải tỉnh được giao quản lý 678,58 km, trong đó có các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh. Hơn nữa, Sở là cơ quan có vai trò chính đối với công tác bảo đảm giao thông các tuyến đường huyết mạch của tỉnh trong mùa mưa bão. Trong năm 2014, ngoài các vị trí sụt trượt nhỏ được các đơn vị quản lý đường bộ xử lý bảo đảm giao thông bằng guồn vốn từ công tác bảo dưỡng thường xuyên thì trên địa bàn tỉnh có tuyến đường 433 bị ảnh hưởng lớn nhất do mưa bão. Trong đó mưa bão đã làm sạt lở mái ta luy dương tại km52+600; km 52+900; km 54+750; km 54+900; km55+100; km 63+500; km 67+950...sạt lở mái taluy âm tại km18+350 đến km18+358; km 42+402 đến km42+422; vị trí ngầm Quán lý trình km 40+990 và ngầm suối Nánh lý trình km 77+975 bị bồi lấp phía thượng lưu cùng một số công trình thoát nước trên tuyến bị hư hỏng.

Sau khi mưa bão xảy ra, các đơn vị quan lý đã chủ động triển khai và phối hợp các đơn vị đang thi công trên tuyến để khắc phục bảo đảm thông xe an toàn trong thời gian nhanh nhất; Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác định khối lượng thiệt hại và đề xuất các biện pháp khắc phục. Đồng thời, đối với các vị trí sạt lở mái taluy âm tiến hành kè rọ đá bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm công trình; khơi thông dòng chảy và sửa chữa hư hỏng các công trình thoát nước trên đoạn tuyến bị ảnh hưởng của mưa bão; các tuyến đường huyện do UBND cấp huyện chỉ đạo khắc phục có sự hỗ trợ giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ của ngành giao thông vận tải.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bùi Đức Hậu cho biết, bước vào mùa mưa bão năm 2015 với phương châm chủ động phương án lấy phòng ngừa là chính; kế hoạch phòng, chống phải cụ thể sát thực tế; đảm bảo giao thông an toàn thông suốt; hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do lụt bão gây ra và chỉ đạo giải quyết khắc phục nhanh nhất; duy trì thực hiện chế độ báo cáo, thông tin liên lạc từ cơ sở lên trên nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Trên cơ sở đó, Sở đang chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện kiểm tra và có biện pháp sửa chữa, gia cố tăng cường những vị trí xung yếu như các vị trí ngầm, những đoạn đường nền yếu, những ta luy dễ sụt lở như ĐT 433, 435, 448...Đặc biệt sẽ tập trung kiểm tra chi tiết các cầu như móng, mố, trụ cầu, dầm và các liên kết của nền thép để phát hiện và khắc phục kịp thời những dấu vết mới phát sinh hư hỏng; chuẩn bị vật liệu dự phòng chống trơn lầy để kịp thời đảm bảo giao thông khi có mưa lớn trên những đoạn đường dốc; chuẩn bị vật liệu dự phòng như đá hộc, rọ thép, dầm I, vãn mặt cầu...tập kết tại các vị trí trung tâm dễ lấy, dễ vận chuyển; chuẩn bị nhân lực và thiết bị máy móc thường trực ở những vị trí xung yếu nhiều khả năng gây ra ách tắc giao thông và khi cần thiết có thể ứng cứu kịp thời; các dự án công trình đang thi công phải có phương án phòng chống lụt, bão đảm bảo giao thông trong phạm vi thực hiện dự án; tiến hành giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ, đặc biệt là hành lang bảo vệ công trình cầu, ngầm (nơi có dòng chảy lớn). Đối với các đơn vị trực thuộc kiện toàn Ban chỉ huy PCLB, căn cứ vào phương án PCLB, đảm bảo giao thông của Sở lập phương án bảo đảm giao thông ở đơn vị mình và phương án ứng cứu khi có lệnh điều động; chuẩn bị đầy đủ lực lượng và vật tư dự phòng; chuẩn bị lực lượng vận tải để sơ tán dân vùng ngập lụt khi cần thiết.

Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo khi có bão lụt xảy ra, các đơn vị và toàn thể cán bộ, công nhân viên trong ngành chủ động, khẩn cấp thực hiện chống bão, lụt để cứu người, cứu tài sản và công trình bị bão, lụt uy hiếp hoặc bị hưu hại. Tình huống xảy ra trên địa bàn nào thì địa bàn đó phải có phương án tổ chức khắc phục và bảo đảm giao thông nhanh nhất với khả năng nhân, vật lực của đơn vị mình; các đơn vị quản lý đường bộ xúc tiến kiểm tra hệ thống cầu đường nhất là trên các tuyến đường có điểm xung yếu dễ sạt lở, cầu yếu phải có biến bảo nguy hiểm. Ngầm tràn ngập sâu từ 0,2 đến 0,5 m trở lên phải cử người đứng gác đóng barie tạm thời không có xe qua lại; khi cần thiết phải huy động kho tàng, bến bãi và các trang thiết bị của đơn vị mình để phục vụ đảm bảo giao thông; khi có bão lũ xảy ra phải huy động nhanh nhất, mọi khả năng về phương tiện, thiết bị và nhân lực để ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn kịp thời khắc phục hậu quả. Sau mưa bão, các đơn vị phải báo cáo tình hình thiệt hại: thời gian, địa điểm, khối lượng, khả năng khắc phục của đơn vị về Sở. Nếu lụt bão gây hư hỏng cầu đường làm ách tắc giao thông thì đơn vị nhanh chóng bằng mọi biện pháp chỉ đạo tập trung lực lượng đảm bảo giao thông. Đồng thời báo cáo Sở để phối hợp với các ngành chức năng tỉnh và ban chỉ huy PCLB huyện xác định tình trạng hư hỏng, khối lượng lập hồ sơ khắc phục theo trình tự thủ tục và triển khai đảm bảo giao thông trong thời gian ngắn nhất...