
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 500 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ và các đập vừa, nhỏ. Các hồ chứa thủy lợi này phục vụ tưới cho khoảng 15.000 đến 16.000 ha lúa trên địa bàn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là các công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Ngoài các công trình mới được đầu tư sửa chữa nâng cấp, các công trình còn lại đều đã quá thời hạn kiểm định nên số lượng công trình đập cần kiểm định chất lượng an toàn nhiều dẫn đến cần nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện kiểm định. Hơn nữa, các chủ đập chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong công tác quản lý an toàn hồ đập như chưa thực hiện đăng ký an toàn đập; lập phương án phòng, chống lũ cho vùng hạ du; phương án bảo vệ đập; phương án phòng, chống lụt bão cho công trình đầu mối; kiểm định an toàn đập; chưa cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ đập; chưa có kinh phí để thực hiện kiểm định an toàn đập...Bên cạnh đó cũng còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn thủy lợi để quản lý khai thác công trình; thiếu kinh phí để duy tu sửa chữa thường xuyên nên dẫn đến các công trình xuống cấp nghiêm trọng; việc mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ vận hành ở cơ sở còn gặp khó khăn; tình trạng xâm phạm hành lang bảo vệ công trình còn nhiều; thiếu chế tài xử phạt dẫn đến việc thiếu trách nhiệm của chủ đập trong công tác quản lý, khai thác công trình. Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc các hồ chứa nước trên địa bàn bị xuống cấp là do ảnh hưởng của thời tiết, phong hóa vật chất, vật liệu xây dựng, tác động của con người, động vật. Bên cạnh đó là việc thiếu kinh phí để duy tuy, bảo dưỡng thường xuyên...
Để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống xấu có thể xảy ra đối với các hồ chứa nước trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng và các địa phương củng cố, kiện toàn tổ chức quản lý khai thác đảm bảo các công trình hồ chứa nước phải có chủ quản lý rõ ràng, cụ thể; xác định rõ vai trò trách nhiệm của chủ đập trong công tác quản lý và phòng chống thiên tai, đảm bảo đủ năng lực điều hành, ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời tổ chức, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa, công trình đê điều và các công trình thủy lợi khác; trước, trong và sau mưa lũ cần chủ động bố trí kinh phí để duy tu, bào dưỡng, sửa chữa các hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn công trình; các hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn phải xây dựng phương án tích nước hợp lý; tuyệt đối không tích nước đối với các hồ chứa nước không bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sửa chữa, nâng cấp đập, hệ thống tiêu thoát lũ, kè bảo vệ bờ bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm nay; việc sửa chữa, nâng cấp đập phải hoàn thành trước ngày 31-5; các hạng mục khác đang thi công phải đảm bảo tiến độ và cao trình vượt lũ; tổ chức kiểm tra, rà soát nhân lực, vật lực và thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão; hoàn thành việc lập và phê duyệt phương án phòng chống lụt, bão cho các công trình và phương án bảo đảm an toàn vùng hạ du đối với các công trình.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành chức năng tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các chủ đập trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn hồ đập; phối hợp với cơ quan chuyên môn và địa phương triển khai kiểm tra an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình quản lý, khai thác đảm bảo an toàn công trình; tăng cường công tác quản lý, quy hoạch các hồ chứa thủy điện; tiếp tục rà soát các dự án chưa triển khai xây dựng, kiên quyết dừng thực hiện các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, không đảm bảo phát triển bền vững; thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn; kiểm định an toàn đập, quyết định việc tích nước bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa do tỉnh quản lý; chỉ đạo các chủ đập thủy điện xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập theo đúng quy định; có phương án bảo vệ đập, bảo đảm an toàn đập trong mùa mưa lũ, xây dựng và triển khai thực hiện phương án cắm mốc giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập thủy điện; đầu tư trang thiết bị hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xã lũ vùng hạ du cho các hồ chứa thủy điện để hỗ trợ quản lý, vận hành và chỉ đạo ứng phó trong trường hợp khẩn cấp; cân đối, bố trí hỗ trợ từ nguồn ngân sách và các nguồn vốn khác để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện...