Trong tiếng Mường, bánh uôi được gọi là "peẻng uôi". Không rõ thức bánh này có từ khi nào nhưng đã được truyền qua rất nhiều thế hệ và thường được làm trong các dịp đặc biệt như: Lễ, Tết... Bánh Uôi còn được biết đến với nhiều tên gọi mĩ miều khác như: Bánh tình nhân, bánh vợ chồng, bánh cặp, bánh đoàn kết...
Nguyên liệu chính là bột gạo nếp nương. Muốn bánh ngon bắt buộc phải chọn loại gạo nếp nương mới, vo gạo thật sạch rồi đem ngâm khoảng 2 giờ. Sau đó vớt gạo cho ráo nước rồi đem xay mịn. Cách làm bánh uôi đơn giản nhưng yêu cầu sự tỉ mỉ và kĩ lưỡng, đặc biệt là trong khâu chuẩn bị bột làm bánh. Nhân bánh uôi có 2 loại mặn và ngọt. Theo người dân địa phương chia sẻ, nhân ngọt được làm từ hạt nho nhe hoặc đỗ xanh.
Nho nhe là loại hạt đặc trưng của người Mường, được nấu chín, giã nát rồi đem trộn với đường để làm nhân bánh. Đối với bánh nhân mặn, thịt lợn được đem tẩm ướp với một vài gia vị cơ bản để làm tăng hương vị.
Người Mường ở Hòa Bình dùng lá chuối rừng hoặc lá chuối tây để gói bánh. Để lá không bị rách khi gói, người dân thường đem phơi nắng hoặc hơ qua lửa cho mềm lá trước khi gói.
Bột bánh sau khi trộn nhuyễn thành một khối sẽ được đem cắt thành từng miếng nhỏ. Phần nhân bánh được đặt vào giữa, công đoạn gói bánh yêu cầu sự khéo tay của người thợ. Bánh thành phẩm có hình dáng khá đặc biệt, hai phần giống hệt úp mặt vào nhau, tuy hai mà một.
Bánh hấp cách thủy khoảng 1 tiếng cho đến khi lá chuối chuyển màu đậm là chín. Khi ăn, hương gạo nếp nương dẻo thơm lan tỏa hoàn quyện cùng hương lá chuối. Phần nhân bùi bùi, thịt mềm ngậy tan trong miệng khiến người thưởng thức vô cùng ấn tượng./.