DetailController

Văn hóa

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 – 2025

05/11/2021 00:00
Ngày 01/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 08-ĐA/TU, về phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 – 2025. Tổng nhu cầu vốn dự kiến thực hiện là: 55.642 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước: 8.890 tỷ đồng chiếm 16%. Vốn khác: 46.752 tỷ đồng chiếm 84%.

Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025 tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 27% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, bao gồm các mục tiêu cụ thể chủ yếu sau: Đón 4,9 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế là 1,0 triệu lượt, khách nội địa là 3,9 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 18%/năm; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 18%/năm. Khối lượng vận tải hàng hóa tăng bình quân đạt 9,8%/năm; vận chuyển hành khách tăng bình quân đạt 9,7%/năm. 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính; 100% các xã trên địa bàn tỉnh có trạm BTS 4G; 30% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có trạm BTS 5G;100% các xã trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao. Có 10 bác sĩ trên 1 vạn dân; có 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; có 3 bệnh viện tư nhân; Có 200 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt 3% số tổng số cơ sở giáo dục. Số lao động được giới thiệu việc làm tại các cơ sở dịch vụ việc làm đạt 1.000 lao động/năm. số người lao động tìm kiếm được việc làm đạt 900 lao động/năm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 8 nhiệm vụ, 11 giải pháp thực hiện Đề án. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển về dịch vụ trọng tâm là du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; các nghị quyết, chỉ thị, chuyên đề của tỉnh. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đa dạng hóa, đẩy mạnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hoàn thiện các cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đẩy mạnh thu hút đầu tư. Phát triển hạ tầng. Đổi mới về khoa học và công nghệ. Hợp tác phát triển....

Hiệu quả của Đề án là tạo ra nhiều việc làm mới với trình độ được nâng lên, tạo ra thu nhập ngày càng tăng cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững. Xây dựng và phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ có chất lượng cao như: Trung tâm thương mại, khu vui chơi - giải trí, nhà hàng, khách sạn và dịch vụ vận tải, y tế, giáo dục, tài chỉnh, ngân hàng, viễn thông... Nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế phát triển, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách. Thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển dịch vụ, du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nâng cao dân trí, chất lượng sống của các cộng đồng dân cư, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh được giữ vững tạo điều kiện thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc tỉnh Hòa Bình....

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Ban Chỉ đạo thành lập các tổ giúp việc và xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện Đề án. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh nghiên cứu xây dựng và thông qua các chính sách, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện Đe án này thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh. Căn cứ Kế hoạch thực hiện Đề án của Ban Chỉ đạo, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức cụ thể hóa Đề án để triển khai thực hiện; bố trí nguồn lực để đảm bảo thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Đề án. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện Đề án có hiệu quả. Định kỳ hằng năm báo cáo tình hình thực hiện Đề án với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đánh giá kết quả 03 năm thực hiện Đề án và kết quả tổng kết 5 năm thực hiện Đề án. Các huyện ủy, thành ủy căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án chỉ đạo quán triệt và tăng cường sự lãnh đạo, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Đề án; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp với điều kiện và khả năng của từng địa phương, đơn vị; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng chương trình giám sát việc tố chức thực hiện Đe án này. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tố chức tuyên truyền vận động thành viên, hội viên thực hiện Đề án. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Đề án này tới cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy định kỳ hằng năm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Văn phòng Tỉnh ủy giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án.