Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh nằm trên địa phận 4 xã: Tân Pheo, Đồng Chum, Đoàn Kết, Đồng Ruộng (Đà Bắc) với tổng diện tích trên 5.300 ha, trong đó, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 2.437,4 ha, phân khu phục hồi sinh thái 2.866, 5 ha. Với địa hình rộng, hiểm trở, độ cao trung bình 900 m, nơi cao nhất 1.349 m so với mực nước biển, vào những mùa hanh khô, Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh đặc biệt quan tâm tới phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). BQL phân công cán bộ kiểm lâm nắm chắc địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, điều chỉnh cấp dự báo rừng theo từng thời điểm, hoàn chỉnh bản phương án PCCCR, xác định thời điểm dễ xảy ra cháy rừng. Trước khi vào mùa hanh khô, BQL có công văn đề nghị UBND các xã chủ động và tích cực phối hợp trong công tác PCCCR.
Theo lãnh đạo BQL, để chủ động trong quản lý, bảo vệ rừng nói chung và PCCCR nói riêng, BQL đã xây dựng và ký kết quy chế phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn với lực lượng dân quân tự vệ; giữa BQL với UBND các xã trong bảo vệ và phát triển rừng. Hàng năm, BQL luôn coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, phối hợp với chính quyền lồng ghép các buổi họp xóm để tuyên truyền văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bằng những phương pháp tuyên truyền đa dạng, phong phú để người dân dễ hiểu, dễ nhớ như tuyên truyền miệng, soạn thảo văn bản trình bày trên hệ thống máy chiếu, chiếu phim, thi tìm hiểu pháp luật... Năm 2014, BQL đã tổ chức 12 lớp tập huấn chuyên đề cho 3.355 lượt người dân (tăng 1.155 lượt người so với năm 2013). Bên cạnh đó, BQL thành lập 12 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với 53 thành viên, phân công mỗi xã 2 cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, phối hợp với các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tuần tra, kiểm tra trong khu bảo tồn, hàng tuần báo cáo với lãnh đạo BQL về tình hình, thực trạng của những cánh rừng. Trong năm, các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng đã hoàn thành thống kê cưa xăng tại 12 xóm trong khu bảo tồn với 36 máy cưa xăng các loại; tiến hành rà soát sử dụng nương rẫy cũ của các hộ gia đình nằm trong khu bảo tồn; tham mưu cho BQL phối hợp với UBND xã xây dựng quy chế quản lý cưa xăng và phát triển rừng.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, trong 3 năm (2012 - 2014), tình trạng khai thác, xâm hại rừng trong khu bảo tồn đã giảm hẳn, không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Bằng nguồn vốn Dự án 661, trong những năm qua, nhân dân 4 xã đã nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng hiện có (gồm rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu) với diện tích 7.158 ha; trồng mới rừng phòng hộ 837 ha; trồng mới 113 ha cây ăn quả và cải tạo làm vườn tạp 181,5 ha.